Trở về sau chuyến công tác tại Mỹ, ông Phan Anh, Tổng giám đốc MB Capital cho biết, ông đã gặp một số tổ chức đầu tư lớn để giới thiệu về TTCK Việt Nam, nhưng câu trả lời chung của các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế là quy mô TTCK Việt Nam còn nhỏ, mức độ minh bạch thông tin của DN còn thấp. Với các quỹ này, TTCK Việt Nam chỉ nằm trong tầm ngắm quan tâm của họ khi có nhiều DN đạt quy mô vốn hóa 2 tỷ USD trở lên.
Trong khi đó, dạo quanh các công ty quản lý quỹ Việt Nam sẽ thấy, công việc tại loại hình công ty này đang rất thưa thớt và nhân sự giảm đi khá nhiều.
Trong cuộc họp đầu năm với Bộ Tài chính, UBCK, Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ thẳng thắn chia sẻ, một số quỹ đã xuất hiện tình trạng rút vốn, một số khác sắp đáo hạn, trong khi khả năng huy động vốn từ nước ngoài vào TTCK là thấp, do nhà đầu tư lo ngại về lạm phát và tỷ giá.
Cạnh tranh giữa các công ty đang dẫn tới mức phí quản lý bị điều chỉnh giảm. Các công ty trong ngành đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong giai đoạn 2012 - 2013, do chỉ có thể trông chờ vào nguồn vốn trong nước. Trong khi đó, nguồn vốn nội chủ yếu đến từ các cá nhân và rất hạn chế, do các yếu tố lịch sử và mức độ quan tâm thấp của người đầu tư tới sản phẩm quỹ.
Hơn 2 năm nay, tại Việt Nam gần như không có quỹ đầu tư mới được thành lập. Một số công ty quản lý quỹ đã nỗ lực tiếp thị TTCK Việt Nam với nhà đầu tư tổ chức, nhất là nhà đầu tư nước ngoài để tìm nguồn vốn mới, nhưng kết quả chưa rõ ràng.
Không có thêm nhà đầu tư chuyên nghiệp, TTCK Việt Nam tiếp tục mất cân đối về sức cầu. Báo cáo của UBCK cho biết, hiện có trên 1,2 triệu nhà đầu tư tham gia TTCK, nhưng số nhà đầu tư là tổ chức (trong và ngoài nước) chỉ chiếm 4%.
Số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam không nhỏ, nhưng độ bền của sức cầu rất thấp, do thiếu vắng những nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. TTCK vì thế thường xuyên biến động nhanh, mạnh và bất thường, các giao dịch mang tính phong trào và chịu ảnh hưởng bởi tâm lý.
Bản thân các DN rất khó huy động vốn và sử dụng vốn hiệu quả trên một thị trường như vậy, do kinh nghiệm và sự hiểu biết của công chúng đầu tư, nhận thức về quyền cổ đông còn hạn chế. Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay tiếp tục chứng kiến cảnh tại không ít DN, cổ đông đến dự họp yêu cầu có “phong bì”, nếu không có “phong bì”, cổ đông nói chẳng việc gì phải đội nắng, đội gió đến nghe DN trình bày. Trong khi về bản chất, “phong bì” chính là tiền của DN, của cổ đông và khi cổ đông không đến, tức là lãnh đạo DN được toàn quyền định đoạt nguồn lực của DN…
Thực tế, từ đầu năm đến nay, khuôn khổ pháp lý mới cho phép phát triển các sản phẩm đa dạng hơn như quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản. Trên cơ sở này, một số công ty quản lý quỹ đang nỗ lực chuẩn bị hồ sơ cho việc xin lập quỹ mở, nhưng cốt yếu để phát triển sản phẩm quỹ là môi trường đầu tư phải ổn định và chính sách thuế phải ưu đãi cho người đầu tư.
Nỗ lực tự thân của các công ty quản lý quỹ là một phần, phần quan trọng hơn cần sự nỗ lực thúc đẩy chính sách hướng đến người đầu tư từ UBCK, Bộ Tài chính. Từ nay đến năm 2013, nếu mô hình quỹ đầu tư không tìm thêm được nguồn vốn mới thì rất có thể sẽ xảy ra một khoảng trống lớn trên TTCK khi các quỹ hiện hành hết thời hạn hoạt động, hoặc buộc phải giải thể theo nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư.
Đầu tư chứng khoán