Chính sách mới >> Tài chính 27/07/2012 08:42 AM

27/07/2012 08:42 AM

Quan sát thị trường tài chính vài tuần qua, các chuyên gia kinh tế và tổ chức tài chính cho rằng đang có tín hiệu của một đợt giảm lãi suất tiếp theo, mức độ giảm sẽ không còn mạnh như nửa đầu năm 2012.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, Ngân hàng (NH) Standard Chartered nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục giảm thêm 1% lãi suất trong quý III/2012, kéo theo lãi suất cơ bản giảm xuống 9% vào cuối năm 2012. NH HSBC và JPMorgan Chase cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ giảm lãi suất thêm 2%.

Giảm nhưng thận trọng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Việt Nam vẫn còn dư địa giảm lãi suất. Lạm phát đã thấp xa so với chỉ tiêu đặt ra (dự báo lạm phát cả năm thấp nhất là 4,6%, cao nhất 6%) đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. “Vấn đề nóng nhất hiện nay là tiếp tục hạ lãi suất hay dừng lại ở mức trần 11% như hiện nay” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế này, Việt Nam đã có thời gian dài duy trì lãi suất nội tệ cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ. Cụ thể là trần lãi suất huy động nội tệ là 14% (thực tế còn cao hơn) trong khi lãi suất huy động ngoại tệ chỉ 2%/năm. Sự chênh lệch rất lớn này khiến doanh nghiệp, dân cư và NH thương mại chuyển trạng thái tài sản, bán ngoại tệ chuyển sang nội tệ. Trong quý IV/2011, nhiều NH thương mại duy trì trạng thái ngoại tệ âm. Cùng với xu hướng giảm mạnh nhập khẩu, NH Nhà nước (NHNN) đã có điều kiện tăng mạnh dự trữ ngoại hối.

Dư địa giảm lãi suất vẫn còn, giả sử giảm lãi suất huy động xuống 9%/năm, lãi suất ngoại tệ vẫn là 2% ứng với kịch bản lạm phát cả năm 5% thì dư địa giảm lãi suất là 3%. Nếu tính theo lạm phát ở mức 6% thì dư địa giảm lãi suất là 2%. Tuy nhiên, dư địa này khá mong manh vì giảm thêm 1% lãi suất có thể không có dịch chuyển lớn nhưng vẫn phải thận trọng vì khi đó, ngân hàng thương mại có thể dễ chuyển từ trạng thái âm ngoại tệ sang dương ngoại tệ.

Còn lãi suất giảm xuống 8%/năm, rất có thể người dân sẽ chuyển sang trạng thái ngược lại là chối bỏ nội tệ. Diễn biến mới trên thị trường hiện nay là không còn rõ xu hướng chuyển dịch ngoại tệ sang nội tệ nữa, thay vào đó là trạng thái giằng co hoặc hình thành xu hướng ngược lại. Do đó, NHNN sẽ rất thận trọng trong điều hành giảm lãi suất những tháng cuối năm.

Nợ xấu ngáng đường tăng trưởng

Để cứu doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đang ép lãi suất cho vay xuống mặt bằng 15%, duy trì trong vòng một năm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp hành chính, chưa thể cải thiện được tình trạng suy kiệt tín dụng đang diễn ra trong 7 tháng đầu năm. Nguyên nhân của tình trạng này là nợ xấu. Tổng nợ xấu của cả hệ thống NH đã lên đến 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Nếu Chính phủ không vào cuộc mà để NH tự xử lý mỗi năm chỉ giải quyết được nhiều nhất là 2% và như vậy cần 4-5 năm mới giải quyết xong nợ xấu. Trong thời gian này, các NH thương mại sẽ không tăng tín dụng hoặc kiểm soát rất nghiêm ngặt tín dụng mới, duy trì lãi suất cho vay cao để bù đắp nợ xấu mà họ phải gánh. Như vậy sẽ dẫn đến đình đốn sản xuất, khó tăng trưởng kinh tế.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, muốn tăng trưởng cần phải khơi thông tín dụng mà giải pháp quan trọng để luồng tiền không tắc nghẽn là quyết liệt xử lý nợ xấu và đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu nới tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng sau khi đã siết quá mạnh thì rất dễ đẩy nền kinh tế vào nguy cơ lạm phát cao, tạo ra những cú sốc như đã từng xảy ra.

 Các chuyên gia tính toán nếu đẩy tín dụng ra thật mạnh, khoảng 2%/tháng trong 6 tháng cuối năm thì GDP cả năm sẽ đạt khoảng 5,5% - 5,6%, lạm phát (sẽ diễn ra 5 tháng sau đó) sẽ ở mức 1% - 2%/tháng và lạm phát cao sẽ bùng trở lại như năm 2011.

Theo Phương Anh
NLĐ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,691

Chính sách mới
Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]