11/07/2012 14:16 PM

(DiaOcOnline) - Thời gian đã cận kề tín hiệu chết chóc của nó đối với những kẻ chậm chân. Đã đến lúc mà ngân hàng không thể đắn đo suy tính thiệt hơn. Cách duy nhất là hạ mạnh lãi suất cho vay và bơm tín dụng cho thị trường.


“Bài” cuối cùng

Một công văn truyền đạt của cơ quan Ngân hàng nhà nước về đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ cũ về dưới 15% thật ra không có giá trị pháp quy. Động thái mới mẻ này càng dễ làm cho tình hình tiêu thụ vốn của khối ngân hàng trở nên bế tắc hơn.

Vào cuối tuần trước, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước đã đưa ra yêu cầu trên trong một hội nghị toàn ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2012. Tất nhiên yêu cầu này được sự tán đồng của một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Eximbank… Chỉ còn khoảng 25% vốn huy động giá cao, một ngân hàng như Vietcombank dĩ nhiên có thể áp dụng cơ chế giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ mà không quá lo ngại sẽ bị lỗ.

Nhưng với một số ngân hàng thương mại nhỏ thì lại là chuyện khác. Đặc biệt những ngân hàng như Phương Tây, cho đến gần đây vẫn huy động trên 12% ở kỳ hạn trên 12 tháng, chắc chắn vẫn bị va chạm với vấn đề thanh khoản mà do đó sẽ rất khó trong việc quyết định “ưu ái” cho khách hàng cũ.

Mặc dù những chuyên gia có thâm niên lâu năm trong ngành ngân hàng như ông Cao Sĩ Kiêm vẫn khẳng định hầu hết các ngân hàng thương mại sẽ triển khai theo “chỉ đạo” của Ngân hàng nhà nước, nhưng thực tế lại chưa có gì bảo đảm cho dự báo này. Buộc phải tự thân vận động, ngân hàng sẽ “chủ động” thương lượng với khách hàng như thế nào?

Tình hình vốn cho thị trường bất động sản cũng vì thế mà chưa thể được khai thông sớm. Những doanh nghiệp bất động sản đang mong đợi một cú hạ đột ngột lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí lãi vay, có thể sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian không ngắn nữa mới được toại nguyện.

Không phải ngân hàng nào cũng có cơ chế “chia sẻ” với doanh nghiệp theo cách mà một vài nơi như Ngân hàng Việt Á vận dụng, có nghĩa là thay vì chăm chăm siết nợ chủ đầu tư thì ngân hàng góp cổ phần vào doanh nghiệp, coi như một cách để cùng doanh nghiệp vượt qua “cảnh ngộ”.

Tuy thế, vẫn đã xuất hiện một vài điểm sáng trên nền trời tối sẫm của thị trường bất động sản. Trong một cuộc họp mới đây với Ủy ban nhân dân TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM, đã công bố một thông tin được coi là tích cực: cơ quan này đã hoàn thành kế hoạch cho vay 30.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố với mức lãi suất cho vay 12-13%. Ông Minh cũng cho biết sắp tới bất động sản sẽ được xem xét hưởng một mức lãi vay hợp lý. Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có kế hoạch và sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Hiệp hội bất động sản TP.HCM để tổ chức triển khai cho vay các dự án trọng điểm, với mục đích là vực dậy thị trường này. Mức tăng trưởng tín dụng của bất động sản dự kiến sẽ bổ sung 4% nữa. Hiện con số này là 9% nên cuối năm 2012 sẽ lên khoảng 14% trong tổng dư nợ cho vay là hợp lý.

Và hy vọng cuối cùng

Rõ ràng, kích thích tố lớn nhất trong thời gian tới sẽ tùy thuộc vào quyết định của chính ngân hàng. Với sự khẳng định của hầu hết lãnh đạo ngân hàng về việc “ngân hàng sẽ chết nếu không cứu doanh nghiệp”, xu thế giảm lãi suất cho vay là không thể đảo ngược. Về việc này, trong thời gian qua nhiều ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất cho vay khá mạnh, thậm chí Eximbank còn giảm về mức lãi suất “không tưởng” là 7%.


Một hy vọng khác mà giới chủ doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng có thể hy vọng là dù không phải tất cả, nhưng một số ngân hàng lớn, vì lợi ích của mình, sẽ thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ cũ về dưới 15% mà không quá lệ thuộc vào việc Ngân hàng nhà nước có chỉ đạo hay không. Tinh thần “tương thân tương ái” như thế cũng đã diễn ra trong khoảng hai tháng qua, với bằng chứng là một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank đã vừa “khoanh nợ” cho con nợ của mình, vừa tiếp tục bơm vốn để con nợ có điều kiện triển khai những dự án xây nhà còn dang dở…

Với bốn lần hạ trần lãi suất huy động, một lần áp trần lãi suất cho vay đối với nhóm doanh nghiệp khuyến khích, có thể nói Ngân hàng nhà nước đã hết “bài”, trong khi toàn bộ nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn chưa có chuyển biến nào đáng kể. Vấn đề còn lại, như một cái van bức bí lâu ngày, lại phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức và thái độ hành xử của các ngân hàng.

Đã đến lúc mà ngân hàng không thể đắn đo suy tính thiệt hơn. Thời gian đã cận kề tín hiệu chết chóc của nó đối với những kẻ chậm chân. Nếu không tích cực giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ các con nợ, khối ngân hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ “chết trên đống tài sản khổng lồ” – như hiện trạng mà doanh nghiệp bất động sản đang chìm ngập trong nó.

Hy vọng cho phục hồi của bất động sản vẫn còn đó, ít ra là về giao dịch. Nhưng điều kiện cần cho hy vọng này phải được khởi xướng từ ngân hàng, để cùng với luồng tiền đầu tư công, giai đoạn nửa cuối năm 2012 sẽ được chứng kiến dòng chảy tín dụng thông thoáng hơn nhiều từ khu vực ngân hàng vào nền kinh tế và các thị trường.

Lê Quân - DiaOcOnline.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,130

Chính sách mới
Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]