Gỡ cho DN, lợi cho ngân hàng
Hầu hết các ngân hàng khi được hỏi đều cho biết sẽ thực hiện đúng như yêu cầu từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ các khoản cho vay cũ xuống 15% vào ngày 15/7 tới.
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank cho biết đã thống nhất với Ban Điều hành về việc hạ lãi suất xuống. Eximbank đang bắt tay vào rà soát các khoản vay cũ, để áp lãi suất từ 15%/năm trở xuống, ông Dũng nói.
Phần lớn các ngân hàng đều khẳng định hạ lãi suất các khoản vay cũ không ảnh hưởng đến hoạt động của mình, bởi trước đây huy động lãi suất cao nhưng với kỳ hạn ngắn, khoảng từ 1 tới 3 tháng, giờ huy động với lãi suất thấp, từ 9 -10% thì việc hạ lãi suất cho các khoản vay cũ xuống 15% có thể thực hiện được.
Những ngân hàng yếu với những khoản huy động cao dài hạn được cho là sẽ gặp khó khăn khi thực hiện yêu cầu nêu trên của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù vậy, một số ngân hàng cho biết, hạ lãi suất mà giúp DN trả nợ được cho ngân hàng thì còn hơn để lãi suất cao mà không thu được nợ. Không những thế việc hạ lãi suất còn là hành động chia sẻ khó khăn của ngân hàng với các DN.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho biết, thời gian qua rất nhiều DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Việc hạ lãi suất các khoản vay cũ cho khách hàng xuống dưới 15% sẽ giúp các DN giảm khoản tiền đáng kể trả cho ngân hàng hàng tháng và như vậy giúp tăng đầu tư cho sản xuất kinh doanh và có điều kiện để giảm chi phí đầu vào dẫn đến giảm giá thành sản phẩm. Kinh doanh có hiệu quả, DN mới có tiền trả nợ được, Kiêm nói.
Theo ông Kiêm, thời gian qua tiền bơm ra nhiều nhưng không chảy vào sản xuất là vì các DN cố gắng vay những khoản mới với lãi suất thấp để trả nợ cho ngân hàng những khoản vay cũ lãi suất cao. Nay lãi suất nợ cũ xuống 15% sẽ khiến tiền chảy vào sản xuất nhiều hơn, góp phần cứu DN nói riêng và cứu cả nền kinh tế nói chung.
DN hấp hối, giảm cũng khó trả nợ
Ông Nguyễn Đức Vinh, giám đốc công ty TNHH Hồng Vinh (Ba Đình - Hà Nội), chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí cho biết, hiện công ty đang vay ngân hàng 6 tỷ đồng với lãi suất 20%/năm. Với khoản vay này mỗi tháng công ty phải trả lãi 100 triệu đồng. Nay khi lãi suất hạ xuống 15% thì mỗi tháng khoản lãi phải trả lãi giảm được gần 20 triệu đồng, như vậy sẽ giúp DN giảm được chi phí đầu vào sẽ tạo điều kiện cho sản xuất tốt hơn.
Tuy nhiên có không ít ý kiến cho rằng hạ lãi suất các khoản vay cũ chỉ thực sự tốt với những DN đang hoạt động và vẫn có doanh thu. Còn với hàng loạt DN đã tạm ngừng hoạt động thì điều này chỉ có tác dụng giảm nợ chứ không giúp họ tăng sản xuất kinh doanh.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay có tới 26.324 DN giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, việc hạ lãi suất sẽ không có tác dụng với các DN này.
Theo các DN, hiện nay vấn đề khó khăn nhất đối với họ là đầu ra của sản phẩm không có. Hàng tồn kho cao, bán không được dẫn đến doanh thu giảm, sản xất giảm vì vậy không có tiền để trả các khoản trả nợ cho ngân hàng.
Nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát, khiến các DN rất lo lắng bởi giảm phát sẽ làm tăng tâm lý thích giữ tiền, hạn chế hoặc trì hoãn tiêu dùng với hy vọng giá ngày mai sẽ thấp hơn giá hàng hôm nay. Khi người tiêu dùng có tâm lý thích giữ tiền, không chi tiêu thì hàng hóa khó tiêu thụ. Doanh thu thấp thì tiền trả nợ ngân hàng cũng không có, vậy nên dù lãi suất hạ thì nhiều DN cũng không biết kiếm đâu ra tiền trả nợ.
Trên thực tế thời gian qua đã có một số ngân hàng chia sẻ khó khăn, giảm lãi các khoản vay cũ cho DN. Có ngân hàng đã giảm lãi cho DN từ 24% xuống còn 12% vậy nhưng DN vẫn không có tiền trả nợ.
Khả năng trả nợ ngân hàng của DN và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra là thực tế, trong đó phần lớn các khoản vay đều có nguồn gốc từ bất động sản, mà thị trường này đang trong thời kỳ thanh khoản rất kém.
Giám đốc 1 ngân hàng tại Hà Nội đã cho biết phần lớn khách hàng vay đầu tư vào bất động sản với số tiền từ 3 tỷ trở lên khó có khả năng trả nợ. Với khoản vay đó, mỗi tháng khách hàng phải trả lãi 50 triệu đồng và trả nợ gốc khoảng 100 triệu đồng. Trong khi nhà đất đang ế ẩm không bán được, kể cả bán lỗ thì khách hàng không thể kiếm ra mỗi tháng 150 triệu trả cho ngân hàng. Nay có giảm lãi suất xuống 15% thì mức chi trả cũng giảm trên10 triệu đồng mỗi tháng, trong khi họ không có nguồn thu thì cũng chẳng lấy đâu ra để trả nợ.
Khi nợ cũ không trả được, thì nợ quá hạn và nợ xấu khó được xử lý và tác động đến tăng trưởng tín dụng. Theo các nhà kinh tế, muốn tăng tốc tín dụng để kích thích tăng trưởng, hiện chỉ có hai cách. Thứ nhất, phải giải quyết vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay. Chuyện này đến nay chưa có tín hiệu tích cực nào.
Thứ hai, phải đẩy mạnh đầu tư, kích cầu thông qua đầu tư công sẽ giải ngân nhanh được. Nhưng như vậy sẽ trái với tinh thần tái cấu trúc đầu tư công, trong đó có nội dung giảm tỷ trọng đầu tư công. Tình hình hiện nay được cho là chưa có giải pháp nào khả dĩ, trong khi đó, số DN chết đi ngày càng tăng cao.