Chi tiêu Chính phủ bao gồm chi mua hàng hóa dịch vụ và chi chuyển nhượng, trong đó:
+ Chi mua hàng hóa dịch vụ là việc Chính phủ sử dụng ngân sách để đầu tư cho quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng đất nước, trả tiền lương cho cán bộ nhà nước…
+ Chi chuyển nhượng là việc Chính phủ chi ngân sách cho các khoản trợ cấp những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, thương binh, bệnh binh,…
Theo JICA (2018) định nghĩa đầu tư công là chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng công cộng. Cơ sở hạ tầng gồm hai loại: i) cơ sở hạ tầng kinh tế như sân bay, đường bộ, đường sắt, cảng, nước và nước thải, điện, khí đốt và viễn thông; và ii) cơ sở hạ tầng xã hội như trường học và bệnh viện.
Còn theo OECD (2016) đầu tư công là đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bởi Chính phủ các cấp chủ yếu cho cơ sở hạ tầng vật chất. Do đó, ở một góc độ nào đó, có thể coi đầu tư công là chi tiêu Chính phủ.
Một số điều cần biết về chi tiêu Chính phủ (Hình từ internet)
Chính sách tài khóa là các chính sách của chính phủ nhằm tác động lên định hướng phát triển của nền kinh tế thông qua những thay đổi trong chi tiêu chính phủ và thuế khóa.
Chính sách tài khóa khác với những chính sách kinh tế cơ bản khác như chính sách tiền tệ, đó là chính sách nhằm ổn định nền kinh tế bằng cách kiểm soát tỉ lệ lãi suất và nguồn cung tiền.
Hai công cụ chính của chính sách tài khóa là chi tiêu Chính phủ và hệ thống thuế.
Những thay đổi về mức độ và thành phần của thuế và chi tiêu Chính phủ có thể ảnh hưởng đến các biến số của nền kinh tế như: tổng cầu và mức độ hoạt động kinh tế; kiểu phân bổ nguồn lực; phân phối thu nhập, hay nói cách khác chính sách tài khóa liên quan đến tác động tổng thể của ngân sách đối với hoạt động kinh tế.
GDP theo phương pháp chi tiêu tính toán dựa trên mức chi tiêu của các thành phần kinh tế trong một quốc gia. Cách tính GDP theo phương pháp chi tiêu có như sau:
GDP = C + I + G + NX
Trong đó:
C (Consumption): chi tiêu cá nhân
I (Investment): đầu tư
G (Government Spending): chi tiêu Chính phủ
NX (Net Export): cán cân thương mại, với NX = Xuất Khẩu (X:Export) – Nhập Khẩu (M:Import)
Nếu nhìn vào công thức trên thì chi tiêu Chính phủ sẽ đóng góp một phần vào GDP của quốc gia.
Các chương trình chi tiêu Chính phủ giúp cung cấp các hàng hoá công cộng quan trọng như cơ sở hạ tầng và giáo dục, từ sự gia tăng chi tiêu Chính phủ có thể đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế thông qua việc làm tăng sức mua của người dân.
Tuy nhiên trong một số trường hợp sự cắt giảm quy mô chi tiêu Chính phủ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, nếu chi tiêu Chính phủ bằng không sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế rất thấp, bởi vì việc thực thi các hợp đồng kinh tế, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, phát triển cơ sở hạ tầng… sẽ rất khó khăn nếu không có Chính phủ.
Tuy nhiên, chi tiêu Chính phủ một khi đã vượt quá ngưỡng cần thiết nói trên thì sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế do sự phân bổ nguồn lực một cách không hiệu quả.