Điểm mới Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngân hàng (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 18/1/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Sau khi thảo luận và biểu quyết, đại đa số các đại biểu tham gia tán thành (chiếm tỷ lệ 91,28%). Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Luật gồm 15 chương, 210 điều và có hiệu lực thi hành từ 01/07/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025.
Một trong những điểm mới Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được nhiều người quan tâm, đó là tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các tổ chức tín dụng. Tình trạng sở hữu chéo, chi phối, thao túng trong hoạt động ngân hàng được nhiều chuyên gia đánh giá là nhức nhối tại Việt Nam và gây ra rất nhiều hệ luỵ xấu. Chẳng hạn như vụ án Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan, theo kết luận của cơ quan điều tra (Bộ Công an) tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tính đến tháng 10/2022, hồ sơ sổ sách ghi nhận bà Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ 4,98% vốn điều lệ. Nhưng trên thực tế, bà Lan sở hữu hơn 91% cổ phần tại SCB thông qua nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ. Trong 10 năm, từ 2012 - 2022, bà Lan và đồng phạm sử dụng nhiều chiêu trò để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ từ Ngân hàng SCB.
Vì vậy, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ sở hữu cổ phần để hạn chế tình trạng trên, cụ thể theo Điều 63, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau:
- Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
- Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
- Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
- Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
+ Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
+ Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;
+ Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.
- Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu cổ phần so với Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có nhiều sự thay đổi như sau: tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Giữ nguyên tỷ lệ 5% đối với cổ đông là cá nhân. Còn với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không áp dụng các điều như trên mà sẽ theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ khoản 2 Điều 49 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã quy định về việc công bố thông tin của cổ đông nắm giữ từ 01% như sau:
Cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin sau đây:
- Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này;
- Thông tin về người có liên quan theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 49 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
- Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại tổ chức tín dụng đó;
- Số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại tổ chức tín dụng đó.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, các tổ chức tín dụng phải công khai các lợi ích liên quan theo Điều 39 về Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), các chức danh tương đương và người có liên quan.
Hay các tổ chức tín dụng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có thêm quy định về công bố thông tin theo điều 119 Luật Chứng khoán 2019 với các cổ đông lớn, nhóm người liên quan nắm từ 5% vốn trở lên. Thì đến nay Luật Các tổ chức tín dụng 2024 yêu cầu phải công khai thông tin của cổ đông sở hữu tỷ lệ từ 01% vốn điều lệ trở lên. Điều này nhằm giúp minh bạch thông tin, đảm an bảo an toàn cho hệ thống tín dụng cũng như việc dễ dàng kiểm tra giám sát.
Xem chi tiết các nội dung nổi bật tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Đoàn Đức Tài