Hướng dẫn xây dựng dự toán thu nội địa năm 2025 (Hình từ internet)
Nội dung được đề cập tại Thông tư 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.
(1) Các địa phương xây dựng dự toán thu nội địa năm 2025 ngoài việc đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 49/2024/TT-BTC, phải dự kiến đầy đủ các nguồn thu NSNN phát sinh trên địa bàn, nhưng không tổng hợp vào cân đối NSNN các khoản không thuộc cân đối NSNN theo chế độ quy định, trên cơ sở đánh giá thực tế thực hiện các năm trước, những đặc thù của năm 2025 và số kiểm tra dự toán thu năm 2025 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.
(2) Dự toán thu NSNN năm 2025 phải được xây dựng trên hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các dự án mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN; chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định; các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu NSNN năm 2025 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2025.
Riêng công tác lập dự toán thu đối với các khoản liên quan đến nhà, đất thực hiện theo đúng pháp luật về nhà, đất, bám sát vào quy hoạch, kế hoạch giao quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất tại địa phương, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để xây dựng dự toán thu tiền sử dụng đất sát với khả năng phát sinh nguồn thu trên địa bàn, khắc phục việc dự báo thu và lập dự toán thu các khoản liên quan đến đất đai không sát thực tế phát sinh trong những năm qua theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.
(3) Thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP; thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; thu NSNN từ giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật. Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 148/2021/NĐ-CP.
Thu từ tiền sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo pháp luật về đất đai và Điều 201, 260 Luật Đất đai 2024.
(4) Dự toán các khoản thu phí, lệ phí (thuộc danh mục quy định của Luật Phí, lệ phí) chi tiết tổng số thu, số nộp ngân sách, số được khấu trừ và trích lại theo quy định của pháp luật, chi tiết từng loại phí, lệ phí và lập dự toán chi ngân sách của cơ quan, đơn vị được để lại theo lĩnh vực theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư 342/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Mẫu biểu số 07 kèm theo Thông tư 342/2016/TT-BTC.
Việc xây dựng dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại theo đúng các nội dung chi phục vụ công tác thu quy định tại Nghị định 120/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 82/2023/NĐ-CP, không vượt quá tỷ lệ được để lại theo quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cơ quan, đơn vị không lập dự toán cho các nhiệm vụ chi theo cơ chế đặc thù đã bị bãi bỏ theo Nghị quyết 104/2023/QH15 và Nghị quyết 142/2024/QH15.
(5) Dự toán các khoản thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt, tịch thu, thu tiền đấu giá biển số xe và các khoản nộp NSNN khác trong năm 2025 theo quy định.
(6) Đối với các khoản thu không tổng hợp vào cân đối NSNN theo quy định (thu phí, thu dịch vụ sự nghiệp công, học phí, giá dịch vụ y tế, các khoản thu hợp pháp khác được để lại cho cơ quan, đơn vị sử dụng theo quy định), các cơ quan, đơn vị phải lập dự toán riêng, thuyết minh cơ sở tính toán và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan quản lý cấp trên, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.
**Trước đó, Thủ tướng đã có Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, trong đó có đề cập đến chỉ tiêu thu nội địa năm 2025 như sau:
I. DỰ TOÁN NSNN NĂM 2025
1. Về dự toán thu NSNN
...Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách), mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn trên cơ sở có tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.
…