Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng đã có văn bản số 116-TB/BCĐTW ngày 14/5 thông báo kết luận của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng tại phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo.
Ngày 25/4/2015, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 7 để đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I, đề ra nhiệm vụ công tác quý II năm 2015; thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án và xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, trong đó có quý I năm 2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai tích cực, nhất là: Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là cải cách hành chính; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng; phát hiện, xử lý tham nhũng.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo triển khai khá toàn diện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, rất ráo riết, quyết liệt cả phòng và chống tham nhũng, có hiệu quả cụ thể. Đã chỉ ra những trọng tâm cần tập trung, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để chỉ đạo như: lĩnh vực ngân hàng, đất đai; khâu điều tra, giám định tư pháp chậm; xử lý tham nhũng chưa nghiêm, cho hưởng án treo không đúng; thực hiện ráo riết quyết liệt, có hiệu quả việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng...
Từ năm 2013 đến nay, Ban Chỉ đạo đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý 4 vụ việc, 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đến nay đã xét xử sơ thẩm 9 vụ/90 bị cáo, với 8 án tử hình (7 đối tượng), 9 án chung thân, một đối tượng 30 năm tù, 6 đối tượng 20 năm tù... Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước trong thời gian qua được triển khai khá đồng bộ và đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét.
Các nội dung công tác phòng, chống tham nhũng theo Kết luận tại phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo và cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo đang được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế: Một số khâu trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định tư pháp còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa đầy đủ, nên xã hội chưa thấy hết được ý nghĩa kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt" còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Công tác phòng chống tham nhũng ở nhiều địa phương chưa chuyển mạnh, còn hạn chế...
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II năm 2015 và trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác phòng chống tham nhũng đã có chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, pháp luật bài bản, tương đối đồng bộ. Vấn đề quyết định là phải tập trung thực hiện. Vì vậy, đòi hỏi quyết tâm lớn, trách nhiệm cao từ Ban Chỉ đạo đến những người trực tiếp thực hiện; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng chống tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo, nhất là những lĩnh vực, những khâu thực hiện còn yếu, chậm. Với yêu cầu đó, trong quý II năm 2015 và thời gian tới cần thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Báo cáo số 115-BC/BCĐTW ngày 11/5/2015 của Ban Chỉ đạo, trong đó cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật liên quan khác cho phù hợp tình hình hiện nay.
Hai là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng.
Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo đảm cung cấp kịp thời, đúng pháp luật những thông tin về phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí; lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ba là, triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành; Kế hoạch của Ban Nội chính Trung ương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013 và 2014.
Bốn là, chỉ đạo triển khai việc rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương để xem xét, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Năm là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, tạo sức mạnh đủ sức răn đe tham nhũng.
Sáu là, các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao cần chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi phụ trách để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung vào vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch để Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc với một số địa phương về công tác phòng, chống tham nhũng.
Bảy là, chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”; Đề án “Sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo”.
Tám là, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan chức năng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Chín là, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, yêu cầu các cơ quan chức năng cần chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, trong đó chú ý hoàn thiện chế định về thu hồi tài sản tham nhũng; cụ thể hóa, bổ sung đồng bộ những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tương trợ tư pháp và một số luật liên quan khác.
Mười là, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổ chức biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế trích thưởng cho những tổ chức thu hồi được nhiều tài sản tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.