Sáng nay (9-12), trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII, ĐB Trần Văn Thiện đã nói lên những cảm xúc và trăn trở của mình về tệ nạn tham nhũng.
‘Tham nhũng đang trốn ở đâu?’
ĐB Trần Văn Thiện cho biết không riêng cử tri TP.HCM mà người dân cả nước ai cũng quan tâm đến tham nhũng. Theo ông, hiện nay tệ nạn tham nhũng ngày càng phát triển tinh vi và trầm trọng, đó là quốc nạn cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội của TP nói chung và đất nước nói riêng.
Ông Thiện cũng lấy những lời nói của Chủ tịch nước trong các lần tiếp xúc cử tri để minh chứng cho tệ nạn tham nhũng, rằng tham nhũng ở nước ta rất nghiêm trọng, đi đâu ai cũng nói. Việt Nam là một trong những nước có nạn tham nhũng cao so với thế giới.
“Chủ tịch nước cũng nói cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua không đạt chỉ tiêu đề ra. Phải làm gì để tiến tới một đất nước và TP.HCM không ai dám tham nhũng, không ai muốn tham nhũng và không cần tham nhũng” - ông Thiện nói.
ĐB Trần Văn Thiện nói trước nghị trường. Ảnh: Hoàng Giang
Ông thông tin thêm: “Trong báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015, khi nói về vấn đề chống tham nhũng rất ngắn và cho biết năm 2015 TP đã tiến hành thanh tra tại 341 đơn vị, kết quả chỉ phát hiện có 30 đơn vị có sai phạm với 85 tỉ đồng. Một kết quả rất khiêm tốn, nếu đúng tham nhũng chỉ có vậy thì đúng là phấn khởi. Tham nhũng không có hay đang trốn ở đâu mà không thấy? Phải chăng vì vậy mà tôi vẫn nghe người dân nói câu: chống tham nhũng, chống ai, ai chống?” - ông Thiện hỏi.
Vì thế ông Thiện nêu lên ba điều trăn trở và băn khoăn. Thứ nhất, thực trạng tham nhũng ở TP.HCM hiện nay được đánh giá như thế nào, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của UBND TP về tham nhũng liệu có đúng thực trạng tham nhũng hay không? Thứ hai, tại sao trong suốt nhiệm kỳ 2011-2015 của HĐND TP.HCM, vấn đề chống tham nhũng không được đưa vào chương trình thảo luận tại nghị trường? Thứ ba, TP.HCM sẽ có giải pháp gì đột phá trong chống tham nhũng thời gian tới?
“Ba vấn đề trên cũng là ba kiến nghị tôi gửi đến HĐND và UBND TP trong nhiệm kỳ tới có sự quan tâm hơn nữa để cuộc chiến chống tham nhũng đạt được kết quả tốt hơn” - ông Thiện nhấn mạnh.
Chín tháng chưa phát hiện tham nhũng
Trước yêu cầu của chủ tọa phiên họp đề nghị giải trình về ý kiến của ĐB Trần Văn Thiện, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM Nguyễn Thị Ngọc Nga đã đăng đàn trả lời những thông tin liên quan đến tham nhũng trên địa bàn TP.HCM.
Bà Nga khẳng định, tham nhũng trên địa bàn TP ở một số ngành, lĩnh vực diễn biến rất phức tạp như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thương mại, tài chính, mua sắm công, cổ phần hóa doanh nghiệp, đấu thầu các dự án. Nguyên nhân nổi lên là do công tác quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa tập trung giải quyết các đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng và chưa chủ động kiểm tra và thanh tra tham nhũng trong phạm vi của mình.
“Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa chuyển biến tích cực; việc tặng quà, nhận quà vẫn ngầm diễn ra và khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào vi phạm, công tác giám sát hành vi này vẫn còn khó khăn”, bà Nga nói.
Bà Nga cũng khẳng định: “Chín tháng đầu năm 2015 qua công tác thanh tra, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng tại TP.HCM”. Bà Nga cũng cho biết, qua kiểm tra xử lý nội bộ, cũng không phát hiện trường hợp nào tham nhũng.
Riêng về điều tra truy tố xét xử có liên quan đến tham nhũng, bà Nga cho biết chủ yếu là những vụ việc tồn đọng từ những năm trước. “Về thanh kiểm tra giám sát các vụ việc tham nhũng, theo Ban Nội chính Thành ủy có 4 vụ việc đang trong tầm giám sát, theo dõi để có kết luận của cơ quan điều tra”, bà Nga khẳng định.
TÁ LÂM – LÊ THOA
Theo Báo Pháp luật TP.HCM
Điều 4. Nguyên tắc xử lý tham nhũng – Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 1. Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh. 2. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. 3. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. 4. Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 5. Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật. 6. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện. |