Trong báo cáo thẩm tra (đã gửi đến Quốc hội), Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ là “tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng”.
Báo cáo cho rằng đánh giá này là đúng với thực trạng hiện nay cũng như phản ảnh của người dân, doanh nghiệp và xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. “Rất nghiêm trọng” là cụm từ vừa được báo cáo của Chính phủ bổ sung sau khi Ủy ban Tư pháp tiến hành thẩm tra (trước kỳ họp này).
Ủy ban Tư pháp cho rằng báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng “chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền”.
Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, là do trong nhiều năm các báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”... mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi.
“Quyết tâm chống tham nhũng chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng. Đáng lưu ý, có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm”.
Ủy ban Tư pháp cho rằng tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị... gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Luật PCTN chưa quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp không công khai, minh bạch trong hoạt động. Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể công tác công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực đã được Luật PCTN quy định để có giải pháp khắc phục” - báo cáo thẩm tra viết rõ.
Đáng lưu ý, trong báo cáo năm nay, cơ quan thẩm tra chỉ ra một vấn đề đang có tính thời sự, đó là: đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, là người thân trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận.
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật”. (Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2016) |
Lê Kiên
Theo Tuổi trẻ