Về mặt chủ trương thì trong Chiến lược quốc gia về PCTN năm 2020, mình cũng đã đặt ra vấn đề giảm thiểu tối đa những quy định về bí mật Nhà nước, bí mật công nghệ, nhưng trên thực tế hiện nay, cũng có một số cơ quan, một số DN, một số tập đoàn kinh tế cứ lợi dụng đây (quy định về bí mật - pv) là bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh… cho nên không cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của mình. Theo Luật PCTN là phải công khai về mặt tổ chức, công khai về mặt hoạt động.
Vừa rồi khi CP ban hành Nghị định (NĐ) 68 sửa đổi, bổ sung các quy định của NĐ 37 về minh bạch trong kê khai tài sản (KKTS), mức độ minh bạch cũng được tăng cường khi quy định các đối tượng KKTS phải công khai bản kê khai đó tại đơn vị công tác. Vậy đến thời điểm nào phạm vi công khai bản KKTS được mở rộng hơn?
Ở đây ta phải khẳng định: công khai có nguyên tắc bởi vì trong Luật PCTN có nói bản KKTS được lưu cùng với hồ sơ cán bộ, mà hồ sơ cán bộ thì theo quy định, lại thuộc bí mật Nhà nước. Chỗ này mình phải sửa như thế nào đó cho phù hợp.
Thưa ông, báo chí và người dân có được tiếp cận bản KKTS buộc phải công khai này không?
Hiện nay không được tiếp cận vì theo quy định của Luật PCTN, cơ bản chưa được công khai, nhưng đây (quy định công khai bản KKTS tại đơn vị công tác - PV) là từng bước tiến tới công khai, vì các cụ đã nói "1 người thì kín, 9 người thì hở". Ví dụ, cơ quan tôi có 200 người từ chuyên viên chính trở lên mà biết được tài sản của tôi (chuyên viên chính trong một đơn vị có quyền biết tài sản, thu nhập của ứng viên chức vụ thứ trưởng hoặc tương đương của đơn vị đó), có nghĩa toàn xã hội biết. Vì vậy, quy định này là một bước để mình tiến lên và đây cũng là chỗ để tới đây TTCP đề xuất sửa đổi Luật PCTN. Nếu Quốc hội đồng ý công khai bản KKTS thì lúc đó mọi đối tượng có thể tiếp cận.
Quan điểm cá nhân thì theo ông có nên công khai toàn bộ bản KKTS cán bộ cho người dân và báo chí được biết?
Ở mình, ngay trong gia đình có tập quán bố mẹ còn không muốn cho con biết có tài sản bao nhiêu... Cho nên đối tượng nào thì công khai, đối tượng nào thì không nên công khai, chỗ này phải cân nhắc, chứ không phải ai cũng công khai. Cần nhớ rằng, công khai này mục đích của nó để phòng ngừa tham nhũng, chứ không phải có mục đích nào khác.
Đến thời điểm này, theo số liệu của TTCP nắm được, đã có bao nhiêu trường hợp kê khai gian dối và bị phát hiện, hình thức xử lý cao nhất là ở mức nào?
Hình thức xử lý kỷ luật cao nhất là mất chức. Ví dụ, định bổ nhiệm ông ta nhưng ông ta không kê khai trung thực là thôi. Cái này tôi nhớ là có rồi, tất nhiên hiện nay chưa nhiều, nhưng để kiểm soát sự trung thực thì công khai bản KKTS chính là một phương thức kiểm soát. Ví dụ, bây giờ tôi làm vụ trưởng không phải mấy chục anh em đều đồng ý tôi cả, có thể trong hoạt động chưa hiểu nhau, người ta cũng phải săm soi ông này có chuyện gì không, săm soi bản KKTS. Cho nên đối tượng KKTS, nhất là người có chức vụ quyền hạn, giải pháp tốt nhất là trung thực trong kê khai.
Bảo Cầm (ghi)