04 trường hợp được từ chối yêu cầu giải trình trong phòng chống tham nhũng (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Cụ thể tại Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định các hành vi tham nhũng bao gồm:
(1) Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
- Tham ô tài sản;
- Nhận hối lộ;
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
- Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
(2) Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
- Tham ô tài sản;
- Nhận hối lộ;
- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Theo Điều 5 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, những trường hợp sau đây được từ chối yêu cầu giải trình trong phòng chống tham nhũng:
(1) Không đủ điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình được quy định tại Điều 4 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, cụ thể:
- Cá nhân yêu cầu giải trình không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc không có người đại diện theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu giải trình không có người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
- Quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu giải trình không có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có yêu cầu giải trình.
(2) Nội dung yêu cầu giải trình thuộc trường hợp quy định tại Điều 6 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, cụ thể:
- Nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới.
Hoặc nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thụ lý giải quyết, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng.
(3) Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không làm chủ được hành vi do dùng chất kích thích hoặc có hành vi gây rối trật tự, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người tiếp nhận yêu cầu giải trình.
(4) Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Các nội dung giải trình trong phòng chống tham nhũng bao gồm:
- Cơ sở pháp lý của việc ban hành quyết định, thực hiện hành vi.
- Thẩm quyền ban hành quyết định, thực hiện hành vi.
- Trình tự, thủ tục ban hành quyết định, thực hiện hành vi.
- Nội dung của quyết định, hành vi.
(Điều 3 Nghị định 59/2019/NĐ-CP)