11/08/2011 08:09 AM

TT - Trong văn bản giải trình gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi, đơn vị chủ quản của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi) giải thích do sơ sót trong việc đóng van điều tiết nên ảnh hưởng đến việc xả thải trong lúc bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) bắt quả tang. Sự thật ra sao?

Nhân viên nhà máy xuống rạch Bà Chèo lấy mẫu nước theo yêu cầu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Ảnh: HÀ MI

Thêm 4 người dân đòi bồi thường

Ông Huỳnh Ngọc Trai, chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An, cho biết trong ngày 10-8 có thêm bốn người đến nộp đơn đòi bồi thường, nâng tổng số đơn lên 43. Trong khi đó, ông Phạm Minh Đạo - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cho hay: “Sở chưa nhận đơn thư nào của người dân đề cập cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại. Nhưng rút kinh nghiệm từ vụ Vedan, sở đã yêu cầu Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ động nắm lại vùng sản xuất ở nơi xảy ra ô nhiễm để khi cơ quan chức năng cần sở sẽ cung cấp mức độ thiệt hại của dân ra sao”.

Theo tài liệu thu thập, từ năm 2005 người dân xã Tam An, huyện Long Thành (Đồng Nai) đã bắt đầu khốn đốn khi nước thải từ nhà máy xử lý nước thải tập trung của Công ty dịch vụ Sonadezi thải ra gây ô nhiễm. Sau nhiều lần dân kêu cứu, tháng 4-2007 công ty này đã chấp nhận hỗ trợ cho 67 hộ dân ở ba ấp xã Tam An với số tiền hơn 121 triệu đồng. Khi đó công ty giải thích việc tràn nước thải do sự cố... nước mưa. Người được hỗ trợ cao nhất là 15,6 triệu đồng và thấp nhất là 100.000 đồng.

Ông Huỳnh Ngọc Trai, chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An, cho biết trong ngày 10-8 có thêm bốn người đến nộp đơn đòi bồi thường, nâng tổng số đơn lên 43. Trong khi đó, ông Phạm Minh Đạo - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cho hay: “Sở chưa nhận đơn thư nào của người dân đề cập cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại. Nhưng rút kinh nghiệm từ vụ Vedan, sở đã yêu cầu Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ động nắm lại vùng sản xuất ở nơi xảy ra ô nhiễm để khi cơ quan chức năng cần sở sẽ cung cấp mức độ thiệt hại của dân ra sao”.

Thế nhưng, theo UBND xã Tam An, sau lần hỗ trợ của công ty, người dân vẫn liên tục gánh chịu những hậu quả nặng nề do nước thải từ nhà máy xả ra môi trường. Tháng 10-2008, từ phản ảnh của dân, Phòng tài nguyên - môi trường huyện Long Thành kiểm tra và lập biên bản xác định “tại thời điểm kiểm tra nước có màu đen, mùi hắc đang được xả ra môi trường ở vị trí chảy ra rạch Bà Chèo”.

Trong các năm 2009, 2010 dân lại kêu nước hôi thối gây ô nhiễm, làm chết cá tôm nên Phòng tài nguyên - môi trường Long Thành tiếp tục vào cuộc. Tất cả biên bản của phòng đều khẳng định nước thải đưa ra môi trường có mùi hôi thối, không có người giám sát tại hồ sinh học. “Khi đoàn kiểm tra thông báo thì công ty mới đóng cống không cho nước chảy ra rạch Bà Chèo” - biên bản kết luận.

Một cán bộ có trách nhiệm ở UBND xã Tam An cho biết: “Sau mỗi lần kiểm tra, đoàn kiểm tra đều khẳng định phản ảnh của dân về ô nhiễm từ nhà máy là đúng và có cơ sở. Nhà máy ghi nhận khắc phục nhưng rồi họ vẫn cứ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến dân rất ấm ức”.

Theo các biên bản kiểm tra nước thải đổ ra môi trường của nhà máy này từ năm 2007-2010, hầu hết đều kết luận: nước thải ra rạch Bà Chèo có mùi hôi khó chịu, lan rộng từ đầu rạch đến cuối rạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân sống gần rạch Bà Chèo.

Theo một người có trách nhiệm ở huyện Long Thành, tháng 5-2009 UBND huyện từng kết luận Khu công nghiệp Long Thành xả nước thải ra rạch Bà Chèo và đề nghị Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi giải trình về “nhà máy xử lý nước thải mở van để lấy nước sông vào nhà máy”, nhưng sau đó đơn vị này vẫn chây ỳ cho đến khi bị C49 bắt quả tang xả thải.

Ông Võ Văn Luật, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Tam An, cho biết: “Việc xả thải của Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi kéo dài nhiều năm là có và xã cũng kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Xã cũng đang chờ C49 kết luận nhà máy xử lý nước thải tập trung sai phạm như thế nào mới tính đến phương án giải quyết đơn kiện của dân đã gửi xã”.

HÀ MI

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,460

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]