Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Nam Sơn nhận định:
Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì hành vi bạo hành đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm.
Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật xử lý thế nào với hành vi bạo hành trẻ em? (Hình từ internet)
Đối với việc xử phạt hành chính hành vi bạo hành trẻ em
Đối với việc xử phạt hành chính hành vi bạo hành trẻ em, ta phân ra làm hai trường hợp:
- Người bạo hành trẻ em không phải là người thân của đứa bé
- Người bạo hành trẻ em là người thân của đứa bé
Căn cứ tại Điều 52, 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cha mẹ, ông bà và người thân trong gia đình có hành vi hành hạ trẻ em nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt như sau:
- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng nếu: Đánh đập gây thương tích
- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích.
Theo đó, đối với hành vi hành hạ trẻ em nếu đối tượng là ông bà, cha mẹ hoặc người thân thích của cháu bé sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho bé thì sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Đối với việc truy cứu TNHS hành vi bạo hành trẻ em
Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như:
Theo Luật sư Nguyễn Thành Trung, đối với việc xử lý hình sự các hành vi bạo hành trẻ em, chúng ta cũng phân ra làm 2 trường hợp như khi phạt hành chính, đó là:
Người bạo hành trẻ em không phải là người thân của đứa bé và người bạo hành trẻ em là người thân của đứa bé.
Hành vi hành hạ trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) là: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác; Tội hành hạ người khác; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
Cụ thể:
*Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác được quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
*Đối với tội hành hạ người khác được quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
*Đối với tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Như vậy, có thể kết luận rằng pháp luật không hề dung túng hay thả lỏng cơ chế quản lý đối với các hành vi bạo hành trong gia đình, nhất là hành vi bạo lực của cha mẹ, ông bà đối với con cái còn nhỏ tuổi.
Theo đó, mức hình phạt đối với các hành vi bạo lực gây ra bởi chính những người thân thích của người bị hại thường sẽ bị xử lý ở mức phạt bằng hoặc nặng hơn đối với người ngoài.