Khách du lịch nước ngoài tại TPHCM - Ảnh: Đào Loan |
Chẳng hạn ngay trong vấn đề liên quan đến thị thực của khách tàu biển có trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật Nhập, xuất cảnh) có hiệu lực vào đầu năm 2015, có khá nhiều điểm bất cập.
Theo luật, du khách đến phải xin thị thực, đóng lệ phí 25 đô la Mỹ thay vì chỉ phải xin giấy phép tham quan với lệ phí 5 đô la Mỹ như trước kia. Sau khi tàu đến bị ách tắc, Thủ tướng Chính phủ ra công văn gỡ rối, du khách mới lại được hưởng quy chế như trên. Tuy nhiên, ngoài vấn đề đã được Thủ tướng tạm thời gỡ rối, trong bộ luật này vẫn còn những quy định bất hợp lý khiến doanh nghiệp và du khách phiền hà.
Một trong những quy định đó là bắt khách quốc tế đến bằng tàu biển phải điền hồ sơ xin thị thực và dán hình thay vì chỉ cần điền khoảng 4-5 yêu cầu trong phiếu lên bờ như trước đây là có thể cập bến. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục mới còn rườm rà hơn yêu cầu của 15 năm trước. Rất nhiều khách tàu biển là người lớn tuổi nên rất ngại phải điền đủ hàng loạt yêu cầu trong tờ khai xin thị thực và tìm hình để dán vào tời khai. Vì vậy, thay vì chọn xuống bờ ở các cảng tại Việt Nam, du khách sẽ chọn những nơi có thủ tục nhập cảnh đơn giản hơn.
Cũng liên quan đến thủ tục thị thực, luật mới buộc người nước ngoài trong diện được miễn thị thực phải có thời gian giữa hai lần nhập cảnh cách nhau ít nhất 30 ngày mới được miễn, nếu không lại phải xin thị thực như ban đầu. Với quy định này, những khách quốc tế mua vé máy bay khứ hồi đến và đi từ Việt Nam kết hợp với chương trình tham quan một số nước khác trong khu vực không thể đi tour như bình thường mà phải bỏ thêm tiền và thời gian để xin thị thực nhập cảnh.
Không chỉ có du khách gặp khó bởi những quy định mới mà doanh nghiệp cũng vất vả không kém với những yêu cầu mới từ cơ quan chức năng. Trong số đó, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực từ cuối năm ngoái, từ 1-7-2015, trước khi thực hiện hợp đồng chở khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 khách trở lên, công ty vận tải phải báo cáo hành trình, chuyến đi, các điểm đón trả khách... với Sở Giao thông Vận tải.
Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ rất khó vì nhiều đoàn khách đặt xe rất sát giờ đi, có khi vào ban đêm hay ngày cuối tuần... thì làm sao có thể báo ngay với cơ quan quản lý. Thêm vào đó, nếu công ty có vài chục, vài trăm chiếc xe thì việc báo cáo từng hợp đồng nhỏ, cỡ 10 khách như thế này sẽ mất thêm thời gian và nhân sự, đi ngược với xu hướng tiết kiệm mà từng công ty đang làm để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay.
Không chỉ có thế, doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch cũng đang đau đầu vì có thể sắp tới đây các cơ quan chức năng lại đưa ra yêu cầu mới về vận tải du lịch, buộc tài xế phải giao tiếp được với khách nước ngoài bằng tiếng Anh. "Nếu vậy chẳng thể tìm ra đủ tài xế để lái xe hoặc phải chi gấp đôi, gấp ba mới tìm được người vừa lái xe giỏi, vừa biết nghiệp vụ du lịch vào trao đổi với khách bằng tiếng Anh. Mấy ổng (cơ quan quản lý) đang kêu góp ý, tôi đã có văn bản gởi rồi, hy vọng sẽ được nghe nếu không thì chỉ có chết", một doanh nghiệp nói vớiTBKTSG Online.
Khách quốc tế đang liên tục sụt giảm trong suốt 11 tháng qua. Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách để xoay sở, giảm giá tour, đưa thêm dịch vụ nhằm thu hút khách. Trong tình hình ngày, có lẽ đã đến lúc những cơ quan chức năng cũng cần xem lại nhưng luật lệ gây khó cho doanh nghiệp, cho du khách để tháo gỡ chứ không thể để những quy định bất cập cứ mãi ngáng chân du lịch.
Đào Loan