Án dân sự: Khi nào thay đổi thẩm phán?

28/04/2015 08:22 AM

Theo nhiều chuyên gia, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về trường hợp “thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án” chưa hợp lý…

Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà NTT và bà TTH. Tại phiên tòa đã phát sinh một tình huống tố tụng đáng chú ý: Bà H. (bị đơn) và luật sư yêu cầu thay đổi một thành viên HĐXX là Thẩm phán A. bởi vị này trước đây từng giải quyết vụ án trong giai đoạn sơ thẩm.

Gặp lại “người quen”

Theo bà H. trình bày, trước đây vụ án từng được TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và Thẩm phán A. được phân công giải quyết. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Thẩm phán A. đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm xuất cảnh đối với bà H.

Sau đó, TAND tỉnh Khánh Hòa xác định vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện nên đã hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chuyển hồ sơ cho TAND TP Nha Trang thụ lý, giải quyết sơ thẩm.

Sau khi TAND TP Nha Trang xét xử sơ thẩm, bà H. kháng cáo. Đến phiên tòa phúc thẩm này, bà H. lại gặp Thẩm phán A. ngồi trong HĐXX. Bà H. và luật sư của mình bèn cương quyết yêu cầu thay đổi Thẩm phán A. vì cho rằng vị này có thể sẽ không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ. Căn cứ mà bà H. và luật sư yêu cầu là quy định thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án đó (khoản 3 Điều 47 BLTTDS).

Nơi từ chối, nơi chấp nhận

Tuy nhiên, sau khi hội ý HĐXX phúc thẩm đã quyết định không chấp nhận yêu cầu của bà H. và tiếp tục xét xử.

HĐXX cho rằng theo Phần II Mục 1 Tiểu mục 3.2 Nghị quyết 01/2005  của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn về khoản 3 Điều 47 BLTTDS), “đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” được hiểu là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ vụ án. Ở đây, Thẩm phán A. có tham gia giải quyết án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm nhưng mới chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, sau đó không giải quyết nữa nên không thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.

Trái ngược với cách giải quyết trên, trong một vụ tương tự, yêu cầu thay đổi thẩm phán của đương sự lại được HĐXX phúc thẩm ở Phú Yên chấp nhận.

Cụ thể, TAND TP Tuy Hòa thụ lý một vụ kiện dân sự và chánh án đã phân công cho một thẩm phán giải quyết. Sau đó, vị thẩm phán này đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Một thời gian sau, vị thẩm phán này được điều chuyển công tác về TAND tỉnh Phú Yên nên chánh án TAND TP Tuy Hòa đã giao vụ án cho thẩm phán khác giải quyết.

Sau phiên xử sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa, đương sự kháng cáo. Khi vụ án được TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm thì đương sự lại gặp “người quen” ngồi trong HĐXX là vị thẩm phán từng giải quyết sơ thẩm nói trên. Đương sự bèn yêu cầu thay đổi thẩm phán này. Sau khi hội ý, HĐXX đã căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 47 BLTTDS tuyên bố hoãn phiên tòa để thực hiện việc thay đổi thẩm phán.

Nên sửa hướng dẫn?

Vấn đề đặt ra ở đây là nên hiểu tình tiết thẩm phán “đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” trong quy định của luật ra sao để quyết định thẩm phán đó có thuộc diện phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi hay không.

TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự và Hôn nhân gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết vấn đề này được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn trong Nghị quyết 03/2012 (trước đây là Nghị quyết 01/2005).

Cụ thể, khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 03/2012 hướng dẫn “đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” là “đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ giải quyếtvụ án”. Như vậy, nếu thẩm phán có tham gia giải quyết án nhưng chỉ ra các loại quyết định như quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định trưng cầu giám định… thì không được xem là “đã tham gia xét xử”.

TS Tiến nhận xét HĐXX phúc thẩm ở Khánh Hòa đã áp dụng đúng hướng dẫn trên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, còn HĐXX phúc thẩm ở Phú Yên áp dụng chưa đúng.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) lại có góc nhìn khác. Theo ông, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chưa đầy đủ, cần sửa đổi theo hướng thẩm phán “đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm” là đã từng tham gia giải quyết vụ án, đã ban hành các quyết định tố tụng, áp dụng các biện pháp tố tụng hoặc các hành vi tố tụng khác.

Luật sư Hà phân tích: Một thẩm phán đã từng tham gia giải quyết một vụ án thì ít nhiều cũng có những nhận định chủ quan, định kiến từ trước. Họ có thể sẽ không khách quan, vô tư bằng thẩm phán chưa từng tham gia giải quyết vụ án đó. Để đảm bảo tính công bằng, thuyết phục, hạn chế khiếu nại thì không nên để cho họ tiếp tục tham gia giải quyết lại chính vụ án đó.

Vì sự khách quan, vô tư

Quy định thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án (khoản 3 Điều 47 BLTTDS) là nhằm đảm bảo tính khách quan, vô tư của người tiến hành tố tụng. Bởi với thẩm phán từng tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án trước đó thì sẽ không thể khách quan, vô tư trong việc giải quyết án sau này vì đã mang định kiến, ý chí chủ quan từ trước. Do đó, tôi đồng tình với quan điểm nên hướng dẫn rằng chỉ cần thẩm phán đã từng tham gia giải quyết án, đã ban hành các quyết định tố tụng… là thuộc diện phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.

Luật sư TRỊNH THANH, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỒNG TÚ

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,762

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]