Phải làm gì nếu phát sinh tranh chấp lao động với Doanh nghiệp?

11/06/2015 13:43 PM

Trong quan hệ lao động nếu phát sinh tranh chấp về quyền, nghĩa vụ hay lợi ích với Doanh nghiệp thì người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi bản thân?

>> Căn cứ pháp lý: Bộ Luật Lao động 2012

Giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.

Trường hợp một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

1.Thẩm quyền giải quyết tranh chấp

 - Hoà giải viên lao động

- Toà án nhân dân

Lưu ý: tranh chấp lao động phải thông qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu toà án giải quyết, trừ một số trường hợp.

Các trường hợp không cần thông qua hoà giải viên:

- Xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

- Bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Khoản 1 Điều 201 Bộ Luật Lao động 2012

2.Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp kể từ ngày phát hiện ra hành vi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm như sau:

- 6 tháng đối với trường hợp yêu cầu hoà giải viên thực hiện;

- 1 năm đối với trường hợp yêu cầu toà án giải quyết.

3.Trình tự giải quyết tranh chấp

Bước 1: Thông qua hoà giải viên

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

- Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

- Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

- Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

- Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

- Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

Bước 2: Khởi kiện tại toà

Các trường hợp được khởi kiện tại toà:

- Thuộc trường hợp không phải thông qua hoà giải viên;

- Hoà giải không thành;

- Một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành;

- Quá 5 ngày làm việc từ ngay nộp yêu cầu hoà giải mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong giải quyết tranh chấp lao động:

*Quyền:

- Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết;

- Rút đơn hoặc thay đổi nội dung yêu cầu;

- Yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.

*Nghĩa vụ:

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;

- Chấp hành thoả thuận đã đạt được, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 196 Bộ Luật Lao động 2012

Trang Nguyễn

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,967

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]