Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 1, Điều 35 Luật BHXH năm 2006 quy định, người lao động được hưởng chế độ khi sinh con với mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Điều 16 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định, mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 157 Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động được nghỉ việc hưởng chế độ trước và khi sinh con là 6 tháng, nếu đáp ứng đủ các điều kiện về thời gian đóng BHXH.
Ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2015/NĐ-CP quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/4/2015. Chế độ quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2015.
Theo khoản 2, Điều 3 của Nghị định này, tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT và tính các loại phụ cấp lương.
Về việc bà Phạm Thu Hương hỏi, bà có hệ số tiền lương thấp hơn 2,34, thuộc đối tượng áp dụng Nghị định số 17/2015/NĐ-CP, nhưng đang trong thời gian nghỉ sinh con hưởng chế độ thai sản từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2015 thì bà có được hưởng tiền lương tăng thêm hay không?
Căn cứ các quy định viện dẫn nêu trên, trong thời gian nghỉ sinh con từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2015, bà Hương được hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả, mức hưởng chế độ sinh con bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Do chế độ tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2015 và tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT và tính các loại phụ cấp lương.
Vì thế, trong mức bình quân tiền lương đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc sinh con không có khoản tiền lương tăng thêm, nên mức hưởng chế độ thai sản không có khoản tiền lương tăng thêm.
Thời gian từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2015 bà Hương nghỉ sinh con, không đi làm, nên cơ quan, đơn vị không phải trả lương và tiền lương tăng thêm. Sau thời gian nghỉ sinh con, bà Hương trở lại làm việc sẽ được trả lương và khoản tiền lương tăng thêm theo quy định tại Nghị định 17/2015/NĐ-CP.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ