Theo số liệu của Cục Quản lý bảo hiểm (Bộ Tài
chính), trong giai đoạn 2007-2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và
có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng
31,3%/năm.
Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Con số này chưa kể những hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng các doanh nghiệp không có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả.
Đáng nói là tới nay, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hầu như chưa xử phạt được các trường hợp liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Nguyên nhân là đến nay vẫn chưa có quy định riêng về xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi bảo hiểm mà chỉ vận dụng các quy định về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức; tội tham ô tài sản,… tại Bộ Luật Hình sự để xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm Doãn Thanh Tuấn cho biết, hành vi trục lợi bảo hiểm không rời rạc, riêng lẻ mà ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định, bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sửa chữa xe,...
Ông Tuấn cũng cho biết, hiện dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp, do đó, Bộ Tài chính đề xuất hình sự hóa hành vi trục lợi bảo hiểm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu trục lợi từ 20 triệu đồng trở lên.
Theo Báo Giao thông