Điên đầu với luật!

23/08/2016 11:21 AM

Cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý nhà nước đều "điên đầu" với cách giải thích khác nhau về một điều luật.

Theo quy định của Bộ Luật Lao động, người lao động (NLĐ) khi làm việc liên tục 8 giờ sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút (ban ngày) và 45 phút (ban đêm). Thời gian nghỉ này được tính vào thời giờ làm việc. Quy định là vậy, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế lại phát sinh nhiều cách hiểu dẫn đến tranh chấp giữa doanh nghiệp (DN) và NLĐ.

Hiểu sao cũng được!

Đầu tháng 8 vừa qua, Công ty Mercedes Benz Việt Nam (đóng trên địa bàn quận Gò Vấp, TP HCM) tiến hành điều chỉnh thời gian làm việc. Tuy nhiên, việc này gây ra phản ứng gay gắt từ phía NLĐ. Sau hơn 10 ngày tranh luận căng thẳng giữa hai bên cùng sự tham gia của các cơ quan chức năng, cuối cùng sự việc được giải quyết, NLĐ quay lại giờ làm việc như trước.

Theo phản ánh của một số công nhân (CN) trực tiếp sản xuất, trước đây, họ làm việc theo 2 ca: ca sáng từ 6 giờ đến 14 giờ; ca chiều từ 14 giờ đến 22 giờ. Giữa giờ làm việc, CN được nghỉ 30 phút. Tuy nhiên, theo quy định về giờ làm việc mới, CN được nghỉ giữa giờ 45 phút nhưng mỗi ca làm việc phải làm sớm hơn hoặc muộn hơn giờ cũ 45 phút. Điều này dẫn đến việc CN ca sáng phải bắt đầu làm việc từ 5 giờ 15 phút, ca chiều phải làm từ 13 giờ 50 phút đến 22 giờ 35 phút. Điều này làm xáo trộn cuộc sống của CN.

Cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan chức năng đều rất vất vả khi áp dụng luật

Một CN lắp ráp cho biết: “Giờ làm việc mới làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi. 5 giờ 15 phút bắt đầu làm việc thì phải dậy ít nhất từ 4 giờ 30 phút. Nếu CN nhà xa thì phải thức dậy từ 3 giờ sáng; như vậy thì quá cực cho anh em, nhiều người phải nhịn đói đi làm. Luật quy định làm việc 8 giờ liên tục sẽ được nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc thì tại sao lại phát sinh thêm 45 phút ngoài giờ làm việc?”.

Tuy nhiên, phía DN vẫn khẳng định mình thực hiện đúng luật. Khi làm việc theo giờ mới, vẫn bảo đảm đúng 8 giờ mỗi ngày theo luật định và 40 giờ mỗi tuần như thỏa ước lao động. Bên cạnh đó, Bộ Luật Lao động không quy định thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc nên việc điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc làm việc không vi phạm các quy định hiện hành.

Nói cách khác, cùng một quy định giờ làm việc nếu lập luận theo các hướng khác nhau sẽ có kết quả trái ngược nhau nhưng đều không phạm luật. Vấn đề đặt ra là cách hiểu thế nào về thời gian “làm việc liên tục” và có sự khác biệt nào giữa việc tính thời gian nghỉ giữa giờ vào thời gian làm việc? Đúng là điên đầu!

Giải thích tréo ngoe

Theo một cán bộ Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM, hiện nay, quy định về việc này vẫn chưa thống nhất được cách hiểu. Trong khi điều 108 Bộ Luật Lao động quy định: “NLĐ làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ theo quy định tại điều 104 của bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc” thì lại phát sinh khái niệm “làm việc liên tục” là như thế nào và khác gì với làm việc gián đoạn, nghỉ giữa giờ không tính vào giờ làm việc.

Để giải quyết việc này, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP giải thích điều 108 Bộ Luật Lao động là áp dụng với người làm việc trong “ca liên tục”. Tuy nhiên, đến Văn bản số 1290/LĐTBXH-LĐTL ngày 13-4-2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tiếp tục giải thích “ca liên tục” ở đây phải là đơn vị có tổ chức làm việc liên tục 3 ca (8 giờ) hoặc 4 ca (6 giờ) liên tục trong ngày. Theo đó thì NLĐ làm việc trong những đơn vị tổ chức ca làm việc thuộc diện này mới được hưởng 30 phút nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.

Theo cách hiểu từ ngữ này của Bộ LĐ-TB-XH thì những người làm trong đơn vị chỉ tổ chức 2 ca làm việc không được hưởng chế độ nghỉ ngơi theo điều 108 Bộ Luật Lao động, trong khi về bản chất, NLĐ vẫn làm việc liên tục suốt 8 giờ (hoặc 6 giờ đối với một số công việc độc hại). Do đó, việc các DN này tách giờ làm việc ra làm đôi và cho nghỉ giữa giờ nhiều hơn 30 phút không tính vào giờ làm việc là không sai. “Hiện nay, với các tình huống phát sinh ở các DN về việc này đều hiểu theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH” - vị cán bộ này cho biết.

Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP HCM, thì Bộ Luật Lao động khi áp dụng vào các tình huống này cần phải chú ý cụm từ “ít nhất”. “Như vậy, việc được nghỉ giữa giờ được quy định tại điều 108 là mức tối thiểu NLĐ được hưởng; ngoài ra, DN hoàn toàn có thể cho NLĐ nghỉ ngơi thêm tùy theo thỏa thuận và điều kiện của DN; không có vấn đề gì lấn cấn trong việc nghỉ giữa giờ 30 phút, 45 phút hay 60 phút cả” - luật sư Tâm nói.

Văn bản dưới luật “nằm” trên luật

Luật sư Phạm Minh Tâm cho rằng cách hiểu của Bộ LĐ-TB-XH tại Công văn 1290/LĐTBXH-LĐTL ngày 13-4-2015 là đi ngược lại tinh thần Bộ Luật Lao động. “Luật và nghị định không có bất cứ điều gì có thể dẫn đến cách hiểu “ca liên tục” phải là 3 ca cả. Đây là một văn bản dưới luật nhưng lại nằm trên luật, tạo tiền lệ nguy hiểm trong việc hiểu và áp dụng đúng tinh thần pháp luật” - luật sư Phạm Minh Tâm khẳng định.

Bạch Đằng

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,060

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]