Luật mẹ, luật con
Kể từ ngày 01.01.2017, Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó Khoản 1 Điều 468 nêu rõ: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Điều khoản này đang gây ra khá nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội, bởi trước đó, tại Điều 91, Luật Các TCTD năm 2010 đã quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. Giới chuyên gia cho rằng, nếu Bộ Luật dân sự (sửa đổi) đưa ra quy định về một mức trần lãi suất (cố định 20%/năm của khoản tiền vay) để áp dụng cho các TCTD, tức là đã phủ nhận quy định đã nêu trong Luật Các TCTD.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng cần thiết phải làm rõ nội hàm của từng điều khoản nêu trong Bộ luật Dân sự 2015. “Chúng ta nên hiểu rằng, quy định trần lãi suất cho vay 20%/năm chỉ được sử dụng nhằm điều chỉnh hoạt động tín dụng phi chính thức, khống chế nạn cho vay nặng lãi. Còn khái niệm “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” đi kèm hàm ý rằng, các TCTD sẽ được cho vay theo lãi suất thỏa thuận theo quy định của Luật Các TCTD”, TS. Cao Sỹ Kiêm nói.
Đồng tình với ý kiến này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng, cái “đuôi” trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác có nghĩa đã cho phép các TCTD tiếp tục thực hiện lãi suất thỏa thuận như trước đây như quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. “Trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không tác động đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng”, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
“Cởi trói” cho các tổ chức tín dụng
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các TCTD, ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc trần lãi suất theo luật chuyên ngành điều chỉnh. Theo đó, không chốt con số lãi suất cố định, mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên và để thị trường tự điều chỉnh. Đây là tín hiệu tích cực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng với thế giới trên mọi lĩnh vực.
Giải thích thêm về tính hợp lý của việc bỏ trần lãi suất, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã từng nói: “Mình thực hiện kinh tế thị trường thì phải theo quy luật của kinh tế thị trường. Tất cả các biện pháp can thiệp hành chính phải phản ánh quy luật cung cầu của thị trường, cho nên những biện pháp can thiệp không thích hợp thì phải thay đổi, phải sửa lại sao cho lãi suất do các tổ chức tín dụng tự đặt ra dựa trên quan hệ cung cầu”.
Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính thức ở Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Do đó, giới chuyên gia khuyến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích TCTD phi ngân hàng phát triển, trong đó bao gồm các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô… để thu hẹp bớt thị trường tín dụng phi chính thức. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần xây dựng những hành lang pháp lý rõ ràng, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể cho hoạt động cho vay tiêu dùng, để thị trường này phát triển theo hướng lành mạnh, hiệu quả, cung cấp tối đa các dịch vụ tín dụng tốt nhất đến đa số người dân.
Trần Nga
Theo Báo Đại biểu nhân dân