Xác định thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo

26/10/2016 08:04 AM

Bà Nguyễn Thanh Hải công tác tại trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/4/2005. Sau thời gian thử việc, ngày 1/7/2006, bà được ký hợp đồng làm việc theo ngạch giảng viên (15.111), tham gia BHXH bắt buộc, hưởng lương từ nguồn thu của Nhà trường.

Tháng 4/2012, bà Hải đỗ kỳ thi viên chức và có quyết định chính thức từ ngày 1/12/2012. Tháng 4/2015, bà làm hồ sơ đề nghị hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo nhưng không được xét duyệt. Theo trả lời của Nhà trường, thời điểm tính hưởng chế độ phụ cấp thâm niên của bà Hải từ ngày 1/12/2012, do vậy bà chưa đủ 5 năm công tác theo quy định.

Bà Hải đề nghị giải đáp, tính đến tháng 6/2016, bà đã đủ điều kiện tính hưởng chế độ phụ cấp thâm niên chưa?

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Theo đơn trình bày, bà Nguyễn Thanh Hải chính thức trở thành viên chức Nhà nước (giảng viên) kể từ ngày 1/12/2012 theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vì vậy, bà thuộc đối tượng áp dụng hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2015 và Thông tư liên tịch số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 20/11/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo quy định tại các văn bản nêu trên, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

- Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành nghề khác (nếu có).

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nêu trên không bao gồm:

- Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu.

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH.

- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. Theo đó, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Do không có đầy đủ hồ sơ về quá trình công tác của bà Hải nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có đầy đủ thông tin để trả lời chi tiết về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên theo thư hỏi của bà Hải.

Đề nghị cơ quan bà Hải công tác căn cứ quy định tại các văn bản nêu trên và hồ sơ quản lý để thực hiện bảo đảm quyền lợi cho giảng viên.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,924

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]