Theo ý kiến của ông Dũng, quy định kiểm soát việc nhập khẩu các hóa chất được gọi là tiền chất ma túy nêu trong Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương về quản lý, kiểm soát tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp là hợp lý.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, việc kiểm soát cả các chất này khi nó là một thành phần trong các sản phẩm công nghiệp dưới dạng hợp chất, dẫn xuất hoặc hỗn hợp được chế tạo theo quy trình công nghiệp thì lại không hợp lý.
Theo quy định tại Thông tư số 42/2013/TT-BCT nêu trên, khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp phải xin giấy phép từ Cục Hóa chất của Bộ Công Thương dù các chất này chỉ là một thành phần nhỏ trong sản phẩm. Đồng thời, không áp dụng một giấy phép cho một loại sản phẩm được nhập khẩu nhiều lần.
Quy định như nêu trên khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, tạo nhiều thủ tục và tốn kém chi phí.
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Dũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, sửa đổi các nội dung này trong Thông tư số 42/2013/TT-BCT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Tiền chất là các hóa chất thiết yếu để sản xuất ra các loại ma túy tổng hợp. Hiện nay tội phạm ma túy đang lợi dụng các loại tiền chất và hỗn hợp các hóa chất có chứa tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp gây mất trật tự an toàn xã hội, do đó việc quản lý chặt chẽ các loại tiền chất và hóa chất có chứa tiền chất nhằm tránh thất thoát để tội phạm lợi dụng là cần thiết.
Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất hướng dẫn Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và Nghị định số 58/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Các loại tiền chất tại phụ lục số IV Danh mục tiền chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP chưa quy định nồng độ, hàm lượng các tiền chất, do đó các sản phẩm công nghiệp như sơn, mực in có chứa tiền chất đều quản lý như các tiền chất.
Có thể xin 1 giấy phép cho nhiều lần nhập khẩu
Theo Điều 11 Thông tư số 42/2013/TT-BCT quy định về xuất nhập khẩu tiền chất thì giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu được cấp theo hợp đồng mua bán tiền chất hoặc thoả thuận bán hàng, mua hàng; bản ghi nhớ; hoá đơn thương mại.
Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu có thời hạn trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp phép và được nhập khẩu theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Như vậy doanh nghiệp có thể xin giấy phép cho nhiều lần nhập khẩu trong một giấy phép, sau đó sẽ được cơ quan hải quan trừ lùi khi nhập khẩu các lô hàng.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ