Tại sao lại bắt phải chuyển tài khoản ngân hàng?

09/06/2017 08:08 AM

Việc bắt buộc phải chuyển đổi tài khoản gây ra sự lo ngại và xáo trộn không cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông tin chính thức về việc buộc các hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân (DNTN), văn phòng luật sư (VPLS)… phải chuyển tài khoản sang tài khoản cá nhân, nếu không sẽ bị đóng tài khoản tại ngân hàng. NHNN giải thích rằng việc yêu cầu các chủ thể trên phải thay đổi tên tài khoản là để phù hợp với Thông tư số 32/2016BLDS 2015, tức chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Động thái này tiếp tục gây ra sự lo ngại và xáo trộn không cần thiết.

Là người có gần 20 năm làm ngành ngân hàng, đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, LS Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định: “Thông tư 32 của NHNN tuy không sai nhưng lại trái ngược, vô hiệu hóa nhiều luật khác”.

Ảnh hưởng trên một phạm vi rất rộng

. Phóng viên: Thưa ông, tức là dù sao thì thông tư nói trên cũng có cơ sở pháp lý?

+ Luật sư Trương Thanh Đức: Đó là điều đương nhiên bởi không ai ban hành cái gì mà không dựa vào luật. Tuy vậy, vấn đề là những cơ sở pháp lý ấy có phù hợp với thực tiễn và các luật khác hay không lại là vấn đề khác.

Khác với BLDS 2005, BLDS 2015 quy định chỉ còn hai loại chủ thể tham gia quan hệ dân sự là cá nhân và pháp nhân. Còn những chủ thể như hộ gia đình, tổ hợp tác, DNTN, VPLS và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì không phải là chủ thể tham gia quan hệ dân sự.

Vì vậy, về nguyên tắc, việc các chủ thể nói trên không phải là chủ thể tham gia giao dịch tài khoản tại Thông tư số 32/2016 của NHNN là không trái với quy định của BLDS 2015. Tuy nhiên, thông tư này vô hình trung lại trái ngược, vô hiệu hóa nhiều luật khác.

. Thưa ông, những luật nào có “nguy cơ” bị thông tư của NHNN vô hiệu hóa như ông nói và những chủ thể nào sẽ bị thông tư này ảnh hưởng?

+ Chúng ta biết BLDS 2015 quy định về các chủ thể pháp lý và giao dịch dân sự để áp dụng cho mọi quan hệ dân sự nói chung, bao gồm cả hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tuy nhiên, không chỉ có BLDS quy định về chủ thể và giao dịch dân sự.

Các văn phòng luật sư, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân… không khỏi lo lắng khi phải chuyển tài khoản sang tài khoản cá nhân, nếu không sẽ bị đóng tài khoản tại ngân hàng. Ảnh: HTD

Có nhiều chủ thể (thực thể pháp lý) không phải là pháp nhân nhưng cũng không đơn thuần là một cá nhân mà là một tổ chức, gồm tập hợp một hoặc một số cá nhân. Chẳng hạn VPLS theo Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); hộ gia đình theo Luật Đất đai năm 2013; DNTN theo Luật Doanh nghiệp năm 2014; hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2014...

Như vậy tính sơ sơ đã có tới 12 chủ thể nằm rải rác ở 12 luật và nghị quyết bị thông tư nói trên “đụng chạm”. Thậm chí nếu ngân hàng không cho DNTN giao dịch tài khoản thì gần như đồng nghĩa với việc phải xóa bỏ các DNTN và nhiều thực thể pháp lý khác.

. Vậy có cách nào để giải quyết vấn đề này không?

+ Phải thống nhất với nhau thế này: Pháp nhân có nhiều dạng khác nhau, bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, gồm cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế...

Tổ chức kinh tế lại bao gồm quỹ đầu tư, hợp tác xã, doanh nghiệp... Doanh nghiệp lại bao gồm công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH. Công ty TNHH lại bao gồm công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Tương tự khi giao dịch với cá nhân, không nên hiểu một cách đơn giản, cứng nhắc, máy móc là chỉ có một cá nhân là thể nhân hay cá thể. Cá nhân, ngoài là một cá nhân (thể nhân), còn có thể là một thực thể pháp lý mà thành viên bao gồm một hoặc một số cá nhân, nhóm cá nhân như tôi đã nói ở trên.

Và hệ quả rút ra là: Khi giao dịch với pháp nhân đã chấp nhận nhiều tên gọi rất khác nhau thì khi giao dịch với cá nhân cũng cần chấp nhận tương tự. Nếu cứ bắt phải giao dịch duy nhất với cá nhân thì không đúng với các quy định của pháp luật khi có nhiều thực thể pháp lý khác nhau đã được luật hóa.

Không nên gây ra xung đột

. Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng NHNN đã hiểu và áp dụng chưa chính xác BLDS 2015. Ví dụ chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty, VPLS, hay các DNTN khác vẫn có thể tham gia quan hệ dân sự. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

+ Chi nhánh và văn phòng đại diện không chịu sự chi phối của BLDS 2015 bởi những chủ thể này nếu giao dịch thì trên tư cách đại diện cho pháp nhân. Nếu chỉ hiểu và áp dụng duy nhất BLDS 2015 cho vấn đề này thì không có gì sai cả. Song nếu đem vấn đề này soi rọi trong tổng thể hệ thống pháp luật thì có vấn đề.

Nếu xem xét chi tiết hơn chút nữa thì ngay Điều 344 BLDS 2015 vẫn bắt buộc ngân hàng phải cho vay tín chấp đối với hộ gia đình nghèo, chứ không phải là đối với các cá nhân thành viên của hộ gia đình.

. Tức là không nên bắt buộc các tổ chức không phải pháp nhân phải chuyển hết thành pháp nhân hay chuyển sang tên cá nhân, thưa ông?

+ Cách tốt nhất là giữ nguyên tên gọi các thực thể pháp lý theo quy định của pháp luật trong giao dịch. Giữ nguyên nhưng xử lý bản chất pháp lý với chúng như với cá nhân chứ không phải như đương nhiên là các chủ thể dân sự như trước kia. Làm được như vậy thì vừa đúng với quy định của BLDS 2015, vừa hoàn toàn phù hợp với hàng ngàn đạo luật và văn bản dưới luật khác.

Nhưng cái lợi lớn nhất là không gây ra sự xung đột, khó khăn, cản trở, vướng mắc gì cho khách hàng, ngân hàng và cá nhân, pháp nhân khác.

. Xin cám ơn ông.

Phối hợp để tháo gỡ vướng mắc

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đang theo dõi phản ánh vướng mắc liên quan đến tài khoản ngân hàng, Thông tư 32/2016 để phối hợp gỡ vướng cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong khi đó, đại diện NHNN thừa nhận việc tồn tại của các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành là thực tế. Do vậy, để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán đã có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán...

Trước đó, một phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết nếu việc chuyển đổi này có ảnh hưởng đến thủ tục thuế, bảo hiểm, danh xưng… thì sẽ nghiên cứu và trả lời bằng công văn.

Tại sao lại phủ nhận

Có thể nói không có quy định nào cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, khắt khe hơn thủ tục tố tụng theo BLTTDS 2015, BLTTHS 2015 và Luật TTHC 2015. Nhưng tòa án vẫn chấp nhận giải quyết tranh chấp hợp đồng mà chủ thể giao kết là DNTN và chấp nhận vai trò của VPLS trong quá trình tham gia tố tụng dân sự, hình sự và hành chính dù chúng đều không có tư cách pháp nhân.

Vậy tại sao lại xảy ra việc phủ nhận các chủ thể này khi vay vốn và giao dịch tài khoản với ngân hàng?

LS TRƯƠNG THANH ĐỨC

CHÂN LUẬN thực hiện

Theo Báo pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,289

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]