Bình Định cấm bán cát có đúng luật?

26/07/2017 14:19 PM

Nhiều luật sư cho rằng văn bản do UBND tỉnh Bình Định ban hành về việc không cho bán cát xây dựng ra ngoài tỉnh là "ngăn sông, cấm chợ", trái pháp luật

Ngày 25-7, ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc (Công ty Hiếu Ngọc; trụ sở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cho biết đã gửi đơn kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan chức năng địa phương về việc xin vận chuyển cát xây dựng ra ngoài tỉnh theo hợp đồng đã ký trước đó với đối tác.

Thiệt hại nặng nề

Theo ông Hiếu, tháng 12-2016, Công ty Hiếu Ngọc được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác cát và tiêu thụ nội địa trong thời hạn 10 năm. Sau nhiều tháng kinh doanh ế ẩm, đến giữa năm nay, công ty ký hợp đồng cung cấp khoảng 60.000 m3 cát xây dựng cho một số doanh nghiệp (DN) ở TP HCM. Tuy nhiên, đến ngày 14-7, khi công ty ông mới thực hiện được khoảng 20% giá trị hợp đồng với các đối tác thì buộc phải tạm dừng theo lệnh cấm bán cát ra ngoài tỉnh của UBND tỉnh Bình Định.

cát

Cát xây dựng của doanh nghiệp đang tồn ở cảng Thị Nại sau lệnh cấm của UBND tỉnh Bình Định Ảnh: ANH TÚ

"Trong giấy phép khai thác cát có ghi rõ DN chúng tôi được phép tiêu thụ nội địa. Bởi vậy, tôi mới mạnh dạn ký hợp đồng cung cấp cát với đối tác ở TP HCM, đồng thời đầu tư thêm 15 tỉ đồng mua 10 xe ben vận chuyển cát từ mỏ đến cảng. Giờ hợp đồng thực hiện dang dở, nếu không cho vận chuyển hàng ra ngoài tỉnh thì chúng tôi buộc phải bồi thường hàng tỉ đồng cho đối tác. Ngoài ra, dàn xe mới đầu tư không chạy được, trong khi mỗi ngày phải trả tiền gốc, lãi cho ngân hàng hơn 1 triệu đồng/xe và nuôi 10 nhân viên lái xe với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng/người. Đó là chưa tính khoản tiền lãi vay hơn 5 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị cho mỏ cát" - ông Hiếu tính toán.

Cùng ngày, ông Nguyễn Hồng Anh - phó giám đốc một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - cũng vừa gửi đơn đến UBND tỉnh để xin thực hiện tiếp hợp đồng cung cấp cát xây dựng cho một DN ở TP HCM vừa ký giữa tháng 6. Theo ông Anh, trước khi ký hợp đồng cung cấp cát với khách hàng này, công ty của ông đã chọn DN có mỏ cát được phép tiêu thụ nội địa để hợp tác. Nhưng khi cung cấp được hơn 5.000 m3 cát thì ông buộc phải dừng cấp hàng vì lệnh cấm của tỉnh. Hơn 20.000 m3 cát tồn không xuất được, trong khi mấy ngày qua, khách hàng ở TP HCM liên tục giục cấp hàng. Thậm chí, họ còn dọa nếu không giao được thì sẽ bị phạt tiền vì vi phạm hợp đồng. "Trước khi bắt tay thực hiện hợp đồng này, chúng tôi đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng mua sắm hàng loạt thiết bị như máy sàng cát, máy đào, máy xúc lật... và tuyển thêm 8 nhân viên để phục vụ dây chuyền sản xuất cát sạch. Cộng với các loại tiền thuê kho bãi, lãi vay đầu tư mua thiết bị, lãi vay đầu tư mua 20.000 m3 cát trị giá khoảng 3 tỉ đồng và lương nhân viên chờ việc, mỗi ngày công ty tôi thiệt hại khoảng 10 triệu đồng" - ông Anh than thở.

Ngoài 2 công ty trên, hiện nhiều DN ở TP HCM và tỉnh Bình Định đang "đau đầu" vì lệnh cấm bán cát ra ngoài tỉnh của UBND tỉnh Bình Định. "Chúng tôi mua bán cát xây dựng hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng, không phải hàng quốc cấm. Vậy tại sao tỉnh Bình Định hạn chế quyền kinh doanh của chúng tôi?" - ông Đào Trung Vịnh, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Nông nghiệp UV Tech (trụ sở TP HCM) - đơn vị đang bị kẹt hợp đồng hàng chục ngàn mét khối cát ở Bình Định, thắc mắc.

Khan hiếm nên cấm?

Trong khi đó, có người nhận định việc UBND tỉnh Bình Định đưa ra lý do thiếu cát xây dựng các công trình trọng điểm để không cho bán cát ra ngoài tỉnh là không thuyết phục. Bởi lẽ, ngoài huyện Vân Canh đang bị thiếu cát do dân cản trở không cho DN khai thác, các địa phương còn lại đều có lượng cát dồi dào so với nhu cầu xây dựng công trình.

Nhiều chuyên gia pháp luật sau khi nghiên cứu, đối chiếu văn bản của UBND tỉnh Bình Định với một số giấy phép khai thác cát được phép tiêu thụ nội địa do chính cơ quan này cấp cũng khẳng định văn bản không cho bán cát ra ngoài địa phương của tỉnh Bình Định là trái với tinh thần của Hiến pháp và Luật DN. Cụ thể, điều 33 của Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Ngoài ra, tại điều 7 Luật DN năm 2014 tái khẳng định "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm".

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, để nắm thêm thông tin vụ việc. Tuy nhiên, ông Thành từ chối trả lời với lý do lệnh cấm do UBND tỉnh ban hành nên sở không thể trả lời được.

Trong khi đó, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị nào của DN về việc xin xuất cát xây dựng tồn ra ngoài tỉnh. Trước đây, phần lớn các DN xin khai thác với mục đích cung cấp cho các công trình xây dựng trong tỉnh. Bên cạnh đó, cũng có một số DN được cấp phép khai thác cát và tiêu thụ nội địa.

"Đối với các DN được phép tiêu thụ nội địa thì đúng là không thể cấm họ bán cát ra ngoài tỉnh được. Tuy nhiên, do nguồn cát trên địa bàn hiện đang khan hiếm, trong khi đó sắp tới tỉnh đang cần lượng cát rất lớn để phục vụ các công trình trọng điểm, vì thế tỉnh mới có văn bản như vậy" - ông Châu nói.

Sẽ quy hoạch lại ngành khai thác cát

Theo ông Trần Châu, sắp tới tỉnh sẽ quy hoạch, tính toán lại theo hướng DN nào được cấp phép khai thác cát như thế nào thì sẽ được làm như thế đó, chứ không có chuyện được cấp phép để phục vụ công trình trong tỉnh mà bán ra ngoài tỉnh.

Nhóm Phóng viên

Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,310

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]