Đồng thời cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan, giữa lợi ích chung với tính nhân đạo, nhân văn trong thực thi pháp luật.
Hoạt động tố tụng đặc thù
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, hiện nay ý kiến của Thẩm phán và qua tham khảo kinh nghiệm một số nước, cũng đang có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây, do điều kiện còn khó khăn, chúng ta phải đến tận nơi để xét xử, nhưng với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, không nhất thiết việc tiếp cận thông tin phiên tòa phải đến tận nơi. Việc đưa phiên tòa lưu động đến các nơi xảy ra vụ án thì cũng có lợi về mặt tuyên truyền nhưng cũng có những bất lợi khác. Chẳng hạn như tính nghiêm minh của phiên tòa khi xử ngoài phòng xét xử. Thứ nữa là quyền con người theo quy định Hiến pháp, bị cáo đưa ra tòa chưa chắc đã có tội; nhưng “bêu” họ ra trước công chúng sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền của những người thân thích, cha mẹ, con cái… dù không có tội cũng phải chịu ảnh hưởng. Nên việc xét xử lưu động cũng là vấn đề cần phải xem xét thêm. TANDTC sẽ có báo cáo về vấn đề này, xin không đưa phiên tòa lưu động vào một chỉ tiêu bắt buộc như Nghị quyết 37 của Quốc hội đã đề ra…
Thời gian qua, Báo Công lý cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Hiện nay, xét xử lưu động đang được xem là một trong những biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong một Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới việc đề cao quyền con người, quyền công dân… đang đặt ra vấn đề nên duy trì các phiên tòa xét xử lưu động như thế nào để đảm bảo mục tiêu trên. Hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xét xử lưu động vụ án hình sự. Một số ý kiến thì cho rằng xét xử lưu động là cần thiết, góp phần tích cực trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), giá trị tích cực nhiều hơn những hạn chế…
Song từ thực tiễn đã diễn ra, nhiều cuộc hội thảo có đánh giá và các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng không nên tiếp tục xét xử lưu động vụ án hình sự bởi những hệ lụy mà nó mang lại nhiều hơn là ý nghĩa về mặt tuyên truyền, PBGDPL. Chúng ta nên phát huy những phương pháp khác để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chứ không nên sử dụng hoạt động xét xử để thực hiện mục đích tuyên truyền ngay tại phiên tòa, làm như vậy dễ vi phạm những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc công bằng, bình đẳng…
Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân, TAND tỉnh Bình Phước, việc xét xử lưu động khó đảm bảo tính công bằng vì có những vụ án được xét xử theo hình thức này, có vụ không. Hơn nữa khi đưa các vụ án ra xử lưu động có thể xúc phạm đến nhân phẩm con người, đặc biệt khi Hiến pháp 2013 đề cao việc bảo vệ quyền con người, đề cao tôn trọng phẩm giá và danh dự con người. Hiến pháp và luật cũng không có quy định việc xét xử lưu động. Bên cạnh đó chi phí cho xét xử lưu động rất tốn kém, vừa mất công sức, tiền bạc của nhân dân mà còn phản tác dụng giáo dục ở chỗ những mô tả hành vi đâm, giết, cướp, tẩu thoát... được tái diễn, lưu vào đầu những đứa trẻ và những người đang có nguy cơ tiềm tàng việc phạm tội. Từ đó có đất cho tội phạm hình thành, tạo ra sự bất an của mọi người trong xã hội.
Như vậy, không có nghĩa là Tòa án thôi không tuyên truyền pháp luật nữa. Vấn đề là cần có phương thức tuyên truyền thế nào đó để đạt hiệu quả cao hơn. Đó là hình thức công khai các bản án của Tòa án, cách tuyên truyền có hiệu quả nhất, văn minh nhất cần được phổ biến nhân rộng (vấn đề này đã được TANDTC thực hiện rất tốt trong thời gian qua). Cùng với việc xét xử công khai tại công đường và công khai, minh bạch các bản án, quyết định của Tòa án vừa có kết quả tuyên truyền, vừa bảo vệ được quyền con người.
Xét xử lưu động là một trong những hoạt động tố tụng đặc thù của nền tư pháp nước ta. Việc xét xử lưu động công khai còn thể hiện sự quyền uy, nghiêm minh của pháp luật để người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, tin tưởng vào lẽ phải, công lý. Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố các hệ lụy xã hội khác hay bảo vệ quyền con người cũng không phải không có những bất cập.
Vấn đề liên quan đến quyền con người
Hiện nay, việc xét xử lưu động vẫn được Tòa án các cấp xét xử đều đặn và nằm trong kế hoạch hàng năm. Theo thống kê của TANDTC, trung bình mỗi năm, Tòa án các cấp xét xử khoảng 9.000 vụ án hình sự, chiếm 12-14% tổng số các phiên tòa. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của hệ thống TAND cũng cho thấy số vụ án xét xử lưu động vẫn tăng lên.
Trên thực tế, phần lớn những phiên tòa xét xử tại trụ sở Tòa án thường vắng người, chủ yếu bị cáo và một vài người thân hoặc người được triệu tập. Chỉ những vụ mà dư luận quan tâm thì số lượng tham dự phiên tòa đông hơn, nhưng chủ yếu là phóng viên các cơ quan báo chí theo dõi để đưa tin. Nhưng ngược lại, tại các phiên xử lưu động thì rất đông người dân tham dự, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời vì hội trường quá chật, người dân chen lấn. Do đó hiệu quả từ các phiên xử trong tuyên truyền pháp luật đến với người dân là khá cao.
Pháp luật tố tụng hình sự, hành chính hiện nay không quy định về việc xét xử lưu động nhưng lại được áp dụng một cách phổ biến. Đây là một vấn đề có tính lịch sử và mặc nhiên được áp dụng cho đến nay như một chế định thực định. Đó là từ năm 1953, Quốc hội ban hành Luật cải cách ruộng đất hay Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh trừng trị các tội tham ô, hối lộ… thì việc xét xử lưu động đã được tiến hành.
Một phiên tòa xét xử lưu động ở Phú Quốc
Đối với cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Tòa án, xét xử lưu động trong nhiều thập kỷ là một trong những chỉ tiêu thi đua. Tuy nhiên, xét xử lưu động cũng là một trong những hạn chế của Tòa án nói riêng, các cơ quan tố tụng nói chung. Đối với Thẩm phán và Chánh án khi xét xử lưu động có rất nhiều áp lực như số lượng người tham dự phiên tòa rất đông, đường đi đến các điểm xét xử thường rất xa xôi; kinh phí thì hạn hẹp… Nhiều trường hợp tại phiên tòa có những diễn biến mới nằm ngoài hồ sơ nhưng có lẽ rất khó chấp nhận một phiên tòa xét xử lưu động mà phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nên gây không ít khó khăn cho HĐXX. Về hình phạt, do đề cao yếu tố răn đe nên thực tế cho thấy ở các vụ án được xét xử lưu động thì bị cáo thường bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc hơn.
Đối với cơ quan Công an, bảo vệ phiên tòa lưu động là việc rất khó khăn và tốn kém, thậm chí là rất nguy hiểm. Ngoài việc không để các bị cáo có những hành động manh động thì cũng phải bảo vệ bị cáo trước sự manh động của người dân. Có những vụ án vì quá bức xúc, mà người dân đòi xử bị cáo theo kiểu “luật rừng”, không cần đến Tòa án…Nên những trường hợp này thường liên ngành Tư pháp đã phải họp bàn để lên phương án bảo vệ.
Từ thực tiễn qua các vụ bào chữa cho bị cáo trong các phiên tòa xét xử lưu động, Luật sư Vũ Tiến Vinh (GĐ Công ty luật Bảo An) cũng đưa ra nhận định: Việc xét xử lưu động ở giai đoạn hiện nay cũng đặt ra vấn đề liên quan đến quyền con người. Ngoài hình phạt mà Tòa án áp dụng với bị cáo, bị cáo còn phải chịu nhiều sức ép từ phía cộng đồng, gây ảnh hưởng tới việc tái hòa nhập cộng đồng khi trở về với đời sống xã hội. Khi một bị cáo bị đưa ra xét xử bằng một phiên tòa lưu động thì bên cạnh các quy định của pháp luật, bị cáo bị xét xử lưu động dường như còn phải chịu sự buộc tội, một sức ép nặng nề khác từ phía đám đông với vô số các quy phạm xã hội như đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo… mà nếu xét xử tại phòng xử án họ không phải gánh chịu.
Các ý kiến khác cũng cho rằng, bên cạnh mục tiêu răn đe, thì mục tiêu giáo dục cũng quan trọng không kém. Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng ngàn người, ngay tại nơi mình sinh sống với người thân, họ hàng làng xóm…gây áp lực lớn cho không chỉ bị cáo và người thân của họ. Việc này cũng có ảnh hưởng nhất định đến con đường hoàn lương sau này của bị cáo vì sự mặc cảm, tự ti. Hiện nay, tâm lý của cộng đồng vẫn còn biểu hiện của “chủ nghĩa lý lịch”, vẫn còn những thành kiến, định kiến theo lối nghĩ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” khiến cho không ít những người bị kết án bị cộng đồng xa lánh, tẩy chay, khó có cơ hội trở thành một người bình thường sau khi trở về với đời sống xã hội.
Đặc biệt, với nhiều vụ án được đưa ra xét xử lưu động, có những cơ quan báo chí khi phản ánh đã sa vào việc mô tả quá chi tiết hành vi phạm tội với những tình tiết rùng rợn ly kỳ kích thích sự tò mò của đám đông, dư luận dẫn đến có sự phản cảm nhất định; ảnh hưởng đến đời sống của thân nhân bị cáo…
Một vấn đề pháp lý khác nữa đặt ra là trẻ em có được tham dự phiên tòa lưu động hay không? Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, những vụ án xét xử tại trụ sở thì người dưới 18 tuổi không được dự phiên tòa, trừ khi họ là nhân chứng, người tham gia tố tụng…mà Tòa án triệu tập. Tuy nhiên, những phiên tòa lưu động thì không hạn chế số người cũng như độ tuổi nên cũng là sự bất cập trong việc đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật.
Trước thực tế đó, khi Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu vấn đề và cho biết TANDTC sẽ có báo cáo với Quốc hội về vấn đề này, xin không đưa phiên tòa lưu động vào một chỉ tiêu bắt buộc như Nghị quyết 37 của Quốc hội đã đề ra; không đưa vụ án ra xét xử lưu động như trước đây, đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các Thẩm phán, Chánh án TAND các cấp cũng như người dân.
Quốc Huy