Về vấn đề nêu trên, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được giải đáp như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế thì:
Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp
…….
2. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng thì vẫn được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú.
Ngoài ra, để cụ thể hóa nội dung nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ban hành Công văn 5276/BHXH-CSYT ngày 28/12/2016 với nội dung hướng dẫn BHXH các tỉnh thực hiện:
- Đối với các đối tượng tham gia BHYT đang điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được hưởng quyền lợi BHYT cho đến khi ra viện;
- Đối với các đối tượng tham gia BHYT đang trong đợt điều trị ngoại trú nhưng thẻ BHYT hết hạn thì được hưởng quyền lợi BHYT cho lần điều trị ngoại trú đó.
Đồng thời, Cơ quan BHXH sẽ cấp cho người bệnh và thân nhân người bệnh Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả hoặc Biên lai thu tiền đóng BHYT do Đại lý thu cấp để sử dụng thay thế thẻ BHYT cho tới khi được cấp thẻ mới.
Như vậy, đối với trường hợp em trai chị Trương Thanh Hoa đang điều trị mà thẻ BHYT bị hết hạn vẫn sẽ được cơ quan BHXH thanh toán (cung cấp biên lai đã mua BHYT đợt mới). Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện việc tham gia đầy đủ nghĩa vụ đóng tiền tham gia BHYT đúng thời hạn để được cấp thẻ BHYT nối tiếp so với thẻ cũ.
Lưu ý:
- Mọi hành vi cố tình không mua thẻ BHYT mới để chuộc lợi sẽ không được thanh toán theo quy định nêu trên bởi nguyên tắc “có đóng – có hưởng, không đóng – không hưởng” để bảo đảm tính công bằng cho tất cả người dân tham gia BHYT.
- Với quy định mới sẽ không ghi thời điểm hết hạn lên thẻ BHYT, người dân cần kiểm tra cẩn thận để biết khi nào thẻ BHYT hết hạn để mua thẻ mới, tránh tình trạng như trường hợp của chị Hoa nêu trên.
Quý Nguyễn