Mẫu Giấy ủy quyền theo Nghị định 30/2020 và cách viết

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/09/2022 11:30 AM

Thế nào là giấy ủy quyền? Tôi muốn tìm mẫu Giấy ủy quyền chuẩn được áp dụng đối với đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, doanh nghiệp nhà nước? - Thanh Hoa (Đồng Nai)

1. Giấy ủy quyền là một loại văn bản hành chính

Căn cứ Điều 7 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.

Như vậy, theo quy định nêu trên, giấy ủy quyền được xem là một loại văn bản hành chính được sử dụng trong cơ quan, tổ chức nhà nước.

2. Mẫu Giấy ủy quyền theo Nghị định 30/2020 và cách viết

Mẫu giấy ủy quyền được ban hành kèm theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP.

Mẫu giấy ủy quyền mới nhất

mẫu giấy ủy quyền

Ảnh chụp mẫu giấy ủy quyền

Trong đó, nội dung trên mẫu Giấy ủy quyền bao gồm các thông tin sau:

(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có)

(2) Tên cơ quan, tổ chức hoặc chức danh nhà nước ban hành văn bản.

Trong đó:

- Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản là tên chính thức, đầy đủ của cơ quan, tổ chức hoặc chức danh nhà nước của người có thẩm quyền ban hành văn bản. Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản bao gồm tên của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản và tên của cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có).

Đối với tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp ở địa phương có thêm tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương hoặc xã, phường, thị trấn nơi cơ quan, tổ chức ban hành văn bản đóng trụ sở. Tên của cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp được viết tắt những cụm từ thông dụng.

- Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 12 đến 13, kiểu chữ đứng, đậm, được đặt canh giữa dưới tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng từ 1/3 đến 1/2 độ dài của dòng chữ và đặt cân đối so với dòng chữ.

Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 12 đến 13, kiểu chữ đứng.

Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản và tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp được trình bày cách nhau dòng đơn. Trường hợp tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản, tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp dài có thể trình bày thành nhiều dòng.

(3) Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức hoặc chức danh nhà nước ban hành văn bản.

(4) Địa danh.

(5) Trích yếu nội dung văn bản.

(6) Nội dung ủy quyền.

(7) Chữ viết tắt tên đơn vị soạn thảo và số lượng bản lưu (nếu cần).

(8) Ký hiệu người soạn thảo văn bản và số lượng bản phát hành (nếu cần).

3. Giấy ủy quyền có thời hạn bao lâu

Xem tại: Ủy quyền là gì? Giấy ủy quyền có thời hạn bao lâu?

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên khi thực hiện ủy quyền

Quyền và nghĩa vụ của các bên khi thực hiện ủy quyền quy định từ Điều 565 đến Điều 568 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

4.1 Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

- Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

- Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

- Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

- Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

- Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định nêu trên.

4.2 Quyền của bên được ủy quyền

- Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

- Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

4.3 Nghĩa vụ của bên ủy quyền

- Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.

- Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

- Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

4.4 Quyền của bên ủy quyền

- Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

- Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 72,317

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]