Trường hợp được dùng CCCD gắn chíp suốt đời mà không cần đổi

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/06/2021 07:59 AM

Tương tự như CMND/CCCD mẫu cũ thì CCCD gắn chíp cũng có quy định về thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp Căn cước công dân gắn chíp được dùng vô thời hạn mà không cần đổi lại.

Trường hợp được dùng CCCD gắn chíp suốt đời mà không cần đổi (Hình ảnh từ Internet)

Theo Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014

“Điều 21. Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.”

Người dân được cấp CCCD gắn chíp vào năm 14 tuổi và thực hiện đổi thẻ vào năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Nếu đổi trong thời hạn 02 năm trước tuổi thì được dùng đến mốc tiếp theo.

Ví dụ: A sinh tháng 6 năm 1998 và đổi thẻ CCCD gắn chíp vào tháng 5 năm 2021. Nghĩa là lúc đó A vẫn chưa đủ 23 tuổi. Do đó, thẻ CCCD gắn chíp của A có giá trị sử dụng đến tháng 6/2023.

Hoặc: A sinh tháng 6 năm 1998 và đổi thẻ CCCD gắn chíp vào tháng 7 năm 2021. Lúc này A đã đủ 23 tuổi. Nên thuộc trường hợp đổi thẻ trong thời hạn 02 năm trước tuổi. Do đó thẻ CCCD gắn chíp của A có gía trị đến tháng 6 năm 2038.

Trường hợp được dùng CCCD gắn chíp suốt đời mà không cần đổi

Theo quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 thì 60 tuổi là mốc thời gian cuối cùng người dân cần phải đổi CCCD gắn chíp. Nghĩa là người dân được sử dụng suốt đời mà không cần đổi lại một lần nào nữa trừ trường hợp mất, hỏng…

Ngoài ra, khoản 2 Điều 21 cũng đề cập đến việc đổi thẻ 02 năm trước tuổi được dùng đến tuổi tiếp theo. Tức là nếu đổi thẻ vào năm 58 tuổi cũng sẽ được dùng thẻ đến suốt đời mà không cần đổi ở mốc 60 tuổi.

Như vậy, nếu người dân đổi thẻ vào năm đủ 58 tuổi, 59 tuổi, 60 tuổi và trên 60 tuổi thì được dùng thẻ đến suốt đời mà không cần đổi, trừ trường hợp hư, hỏng, mất...

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,775

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]