Công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài (Ảnh minh họa)
1. Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định nước ngoài thế nào?
Dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, các bản án, quyết định dân sự của cơ quan tài phán quốc gia nào tuyên thì chỉ có hiệu lực pháp luật trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Do đó, để một bản án, quyết định dân sự có hiệu lực và được thi hành ở một quốc gia khác thì bản án, quyết định đó phải thông qua một thủ tục tố tụng đặc biệt đó là thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài. Trong pháp luật Việt Nam, thủ tục này được quy định tại Phần bảy, từ Điều 423 đến Điều 463 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Tòa án Việt Nam sẽ chỉ tiến hành thủ tục xem xét việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nếu thỏa các điều kiện sau:
- Có đơn yêu cầu.
- Cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định đó có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.
- Bản án, quyết định này được tòa án nước mà Việt Nam đã kí kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về vấn đề này; hoặc Bản án, quyết định nước ngoài được pháp luật Việt Nam công nhận và cho thi hành.
Cần phải hiểu rằng việc Tòa án xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là thủ tục chỉ tiến hành kiểm tra, đối chiếu về thẩm quyền xét xử của toà án nước ngoài, trình tự thủ tục giải quyết, việc thực hiện quyền bảo vệ lợi ích của các bên trước toà… Tòa án Việt Nam sẽ không xét xử lại vụ việc hay xem xét lại nội dung, tính đúng đắn của của bản án, quyết định.
2. Thủ tục yêu cần công nhận và cho thi hành bản án, quyết định nước ngoài
*Người có quyền yêu cầu:
Theo khoản 1 Điều 425 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người có quyền yêu cần công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Thời hạn yêu cầu: trong vòng 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 432 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nếu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn thì thời hạn yêu cầu có thể dài hơn.
*Hồ sơ yêu cầu:
- Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực bản án, quyết định do Tòa án nước ngoài cấp;
- Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những nội dung này;
- Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận kết quả tống đạt hợp lệ bản án, quyết định đó cho người phải thi hành;
- Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp Tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt họ.
*Nơi nhận đơn yêu cầu:
- Bộ Tư pháp, hoặc
- Tòa án có thẩm quyền
Như vậy, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành. Và sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành thì bản án, quyết định nước ngoài có hiệu lực pháp luật như bao bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật do Tòa án Việt Nam ban hành và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Hạnh Nguyên