07 quy định nhân đạo với người phạm tội là phụ nữ có thai

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/03/2022 14:26 PM

Phụ nữ có thai là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt, vì vậy, cho dù họ có là người phạm tội thì pháp luật cũng dành cho họ những quy định riêng. Sau đây là 07 quy định nhân đạo với người phạm tội là phụ nữ có thai.

07 quy định nhân đạo với người phạm tội là phụ nữ có thai

07 quy định nhân đạo với người phạm tội là phụ nữ có thai (Ảnh minh họa)

(1) Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai

Đây là nội dung được quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự, theo đó, sẽ không thi hành án tử hình đối với phụ nữ mang thai. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình sẽ được chuyển thành tù chung thân.

(2) Người phạm tội là phụ nữ có thai là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Theo điểm n khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, người phạm tội là phụ nữ có thai là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, theo điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự, phạm tội với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

(3) Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Bộ luật Hình sự, trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng đối với phụ nữ mang thai.

(4) Không tạm giam bị can, bị cáo là phụ nữ có thai

Theo quy định tại khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ mang thai có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.

Tuy nhiên, nếu rơi vào các trường hợp sau đây thì bị can, bị cáo là phụ nữ có thai vẫn bị tạm giam:

- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

- Tiếp tục phạm tội;

- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

- Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

(5) Phụ nữ mang thai được hoãn chấp hành hình phạt tù

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự, phụ nữ mang thai được hoãn chấp hành hình phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

(6) Tổng định lượng ăn của phụ nữ có thai tại trại giam, cơ sở giam giữ gấp 02 lần tiêu chuẩn bình thường

- Phạm nhân nữ trong thời gian có thai tại trại giam, phụ nữ có thai tại cơ sở giam giữ thì tổng định lượng ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ.

Tiêu chuẩn ăn ngày thường gồm:

+ 17 kg gạo tẻ;

+ 15 kg rau xanh;

+ 01 kg thịt lợn;

+ 01 kg cá;

+ 0,5 kg đường;

+ 0,75 lít nước mắm;

+ 0,2 lít dầu ăn;

+ 0,1 kg bột ngọt;

+ 0,5 kg muối;

+ Gia vị khác: tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

+ Chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

- Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 03 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự 2019.

(Khoản 1, 3 Điều 4 Nghị định 120/2017/NĐ-CP; khoản 1, 2 Điều 1 Nghị định 113/2021/NĐ-CP; khoản 1 Điều 10 Nghị định 133/2020/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,735

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]