Mẫu thông báo lập địa điểm kinh doanh 2022

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
17/03/2022 17:14 PM

Ngoài trụ trở chính, các doanh nghiệp còn có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh. Mẫu thông báo lập địa điểm kinh doanh hiện nay được quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT, cụ thể như sau:

Mẫu thông báo lập địa điểm kinh doanh 2022

Mẫu thông báo lập địa điểm kinh doanh 2022 (Ảnh minh họa)

1. Địa điểm kinh doanh là gì?

Theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

2. Hồ sơ, thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh

2.1 Mẫu thông báo lập địa điểm kinh doanh

Mẫu thông báo lập địa điểm kinh doanh quy định tại Phụ lục II-7 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.

Mẫu Thông báo lập địa điểm kinh doanh

2.2 Thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh

Căn cứ khoản 2, 3, 4 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh quy định như sau:

- Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh;

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh;

Thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. 

Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.

3. Nguyên tắc đặt tên địa điểm kinh doanh

Nguyên tắc đặt tên địa điểm kinh doanh quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

- Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

- Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ cụm từ “Địa điểm kinh doanh”.

- Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở địa điểm kinh doanh. 

- Ngoài tên bằng tiếng Việt, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

- Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.

- Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,325

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]