Thông tin bệnh nhân được phép tiết lộ trong trường hợp nào? (Ảnh minh họa)
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có quy định:
“Tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009”
Đồng thời tại khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định, bác sĩ có nghĩa vụ giữ bí mật tình trạng bệnh của bệnh nhân, những thông tin bệnh nhân đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thông tin bệnh nhân chỉ được phép tiết lộ trong những trường hợp sau:
- Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định. (Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)
- Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (khoản 1 Điều 11 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009)
Đồng thời, tại khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 cũng quy định, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp:
- Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật.
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép.
- Bệnh nhân hoặc người đại diện của bệnh nhân được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh đều được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe, bí mật đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
Trừ trường hợp được sự cho phép của người bệnh hay các trong trường hợp nghiên cứu, trao đổi trong nội bộ nhóm những người chữa trị bệnh với mục đích phục vụ điều trị, tìm phương pháp chữa bệnh;
Trong trường hợp người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh để một số đối tượng nghiên cứu hồ sơ bệnh án phục vụ công việc nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật cho phép theo quy định trên.
Trong trường hợp người làm lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân không đúng quy định thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
“...
Làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định;”
Xuân Thảo