Đảng viên có thể chơi hụi không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/08/2022 09:35 AM

Tôi là vừa được kết nạp Đảng và muốn tham gia chơi hụi. Xin hỏi đảng viên có được chơi hụi không? - Minh Long (Thanh Hóa)

Đảng viên có thể chơi hụi không?

Đảng viên có thể chơi hụi không?

1. Họ, hụi, biêu, phường là gì?

Căn cứ Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau:

- Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là hụi) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Có 02 loại hụi, gồm:

- Hụi không có lãi là hụi mà thành viên được lĩnh hụi nhận các phần hụi khi đến kỳ mở hụi và không phải trả lãi cho các thành viên khác.

- Hụi có lãi là hụi mà thành viên được lĩnh hụi nhận các phần hụi khi đến kỳ mở hụi và phải trả lãi cho các thành viên khác.

2. Đảng viên có thể chơi hụi không?

Tại Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tổ chức hụi như sau:

- Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:

+ Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

+ Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

+ Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

+ Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

+ Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

- Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi.

- Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Như vậy, căn cứ quy định trên cùng với 19 điều đảng viên không được làm tại Quy định 37-QĐ/TW năm 2021 thì không có quy định cấm đảng viên chơi hụi, miễn sao việc chơi hụi là đúng pháp luật.

>>> Xem thêm 19 điều đảng viên không được làm

3. Mức lãi suất đối với hụi có lãi

Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:

- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ.

4. Điều kiện làm thành viên hụi

Tại Điều 5 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về điều kiện làm thành viên như sau:

- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên:

Không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi:

Nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Ngoài ra, còn đáp ứng điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.

5. Hình thức thoả thuận về dây hụi

Hình thức thỏa thuận về dây hụi được quy định theo Điều 7 Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:

- Thoả thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản.

Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.

- Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện tương tự như trên.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,371

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]