Không huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy bị xử phạt thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
08/09/2022 12:02 PM

Hiện nay, tôi thấy có rất nhiều nơi như quán karaoke hoặc các công ty thờ ơ trong việc huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy nên dễ xảy ra việc cháy nổ, đơn cử như vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương. Vậy việc không huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy thì bị xử phạt thế nào? - Văn Tâm (Bình Dương)

Không huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy bị xử phạt thế nào?

Không huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy bị xử phạt thế nào?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng phải được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy

Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì đối tượng phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy như sau:

(1) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) như sau:

- Cháy tại cơ sở thì người đứng đầu cơ sở là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;

- Cháy tại thôn thì trưởng thôn là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp những người này vắng mặt thì đội trưởng đội dân phòng hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy;

- Cháy phương tiện giao thông cơ giới đang lưu thông thì người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp không có người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện thì người điều khiển phương tiện là người chỉ huy chữa cháy;

- Cháy rừng nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; 

Nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn, trưởng ấp, trưởng bản hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.

Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy;

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.

(2) Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;

(3) Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành;

(4) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;

(5) Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;

(6) Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

Phụ lục IV

(7) Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Nội dung và thời gian huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy

Nội dung và thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy quy định theo khoản 2 và khoản 3 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:

2.1. Nội dung huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy

- Kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng;

- Phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy;

- Biện pháp phòng cháy; biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy;

- Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy;

- Phương pháp bảo quản, sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy;

- Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

2.2. Thời gian huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy

- Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu: 

+ Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại (1), (2), (4), (5), (6) và (7) của mục 1;

+ Từ 32 đến 48 giờ đối với đối tượng quy định tại (3) của mục 1.

- Thời gian huấn luyện lại để được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy sau khi chứng nhận này hết thời hạn sử dụng tối thiểu như sau:

+ 16 giờ đối với các đối tượng quy định tại (1), (2), (4), (5), (6) và (7) của mục 1;

+ 32 giờ đối với đối tượng quy định tại (3) của mục 1.

- Thời gian bồi dưỡng bổ sung hàng năm về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tối thiểu như sau:

+ 08 giờ đối với đối tượng quy định tại (1), (2), (4), (5), (6) và (7) của mục 1;

+ 16 giờ đối với đối tượng quy định tại tại (3) của mục 1.

3. Không huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy bị xử phạt thế nào?

Đối với hành vi không huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy thì có thể bị xử phạt từ 01 triệu 500 ngàn đồng đến 03 triệu đồng theo khoản 3 Điều 46 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,950

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]