Tội hủy hoại rừng bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/09/2022 16:30 PM

Luật cấm hành vi hủy hoại rừng, xin hỏi người phạm tội hủy hoại rừng sẽ bị xử lý thế nào? - Ngọc Diễm (Lâm Đồng)

Tội hủy hoại rừng bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Tội hủy hoại rừng bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Luật nghiêm cấm hành vi hủy hoại rừng

Theo khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là hành vi bị nghiêm cấm.

Trong đó, tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP có đề cập đến hành vi phá rừng trái pháp luật.

Cụ thể, phá rừng trái pháp luật là hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

2. Tội hủy hoại rừng bị xử lý thế nào?

Hiện hành, tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt lên đến 15 năm tù. Cụ thể, người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

2.1 Đối với cá nhân phạm tội hủy hoại rừng

* Khung 1: 

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

- Rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

- Rừng phòng hộ có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2);

- Rừng đặc dụng có diện tích từ 1.000 mét vuông (m2) đến dưới 3.000 mét vuông (m2);

- Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

- Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 40.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

- Diện tích rừng hoặc trị giá lâm sản dưới mức quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

* Khung 2:

Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2);

- Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2);

- Rừng phòng hộ có diện tích từ 7.000 mét vuông (m2) đến dưới 10.000 mét vuông (m2);

- Rừng đặc dụng có diện tích từ 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 5.000 mét vuông (m2);

- Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

- Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

* Khung 3:

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên;

- Rừng sản xuất có diện tích 50.000 mét vuông (m2) trở lên;

- Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông (m2) trở lên;

- Rừng đặc dụng có diện tích 5.000 mét vuông (m2) trở lên;

- Gây thiệt hại về lâm sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích;

- Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên.

Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội hủy hoại rừng còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2.2 Đối với pháp nhân phạm tội hủy hoại rừng

Theo khoản 5 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), pháp nhân thương mại phạm tội hủy hoại rừng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội hủy hoại rừng còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân phạm tội hủy hoại rừng có lên đến 15 năm tù. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này, mức hình phạt cao nhất là bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

3. Mức phạt hành chính đối với hành vi hủy hoại rừng

Theo Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP) thì:

Cá nhân thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật như đã đề cập ở mục 1 (trừ hành vi khai thác rừng trái pháp luật quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2019/NĐ-CP) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng.

Đối với tổ chức thực hiện hành vi hủy hoại rừng thì sẽ bị xử phạt gấp đôi (tức là 400.000.000 đồng).

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 49,023

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]