Biện pháp phòng vệ thương mại là gì? Các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể định nghĩa về biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
Như vậy, biện pháp phòng vệ thương mại có thể được hiểu là những biện pháp tạm thời về thương mại, nhằm ngăn chặn, hạn chế hàng hóa nhập khẩu trong những trường hợp cụ thể, bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước những đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Điều 68 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như sau:
- Áp dụng trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
- Chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành điều tra minh bạch, công bằng, phù hợp với quy định của pháp luật và phải dựa trên các kết luận điều tra.
- Công bố công khai các quyết định về việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
- Không thu khoản chênh lệch về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức cao hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời.
- Hoàn lại khoản chênh lệnh về thuế nếu mức thuế phòng vệ thương mại chính thức thấp hơn mức thuế phòng vệ thương mại tạm thời.
- Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chính thức thì thuế phòng vệ thương mại tạm thời đã thu hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế phòng vệ thương mại tạm thời phải được hoàn lại.
Căn cứ khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.
- Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:
+ Áp dụng thuế chống bán phá giá;
+ Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.
(Khoản 1, 3 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017)
- Biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Các biện pháp chống trợ cấp bao gồm:
+ Áp dụng thuế chống trợ cấp;
+ Cam kết của tổ chức, cá nhân hoặc của Chính phủ nước sản xuất, xuất khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu;
+ Các biện pháp chống trợ cấp khác.
(Điều 83 Luật Quản lý ngoại thương 2017)
- Biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
- Các biện pháp tự vệ bao gồm:
+ Áp dụng thuế tự vệ;
+ Áp dụng hạn ngạch nhập khẩu;
+ Áp dụng hạn ngạch thuế quan;
+ Cấp giấy phép nhập khẩu;
+ Các biện pháp tự vệ khác.
(Điều 91 Luật Quản lý ngoại thương 2017)
Văn Trọng