Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Quản lý nhà nước về lao động có thể hiểu là việc Nhà nước thông qua các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành tổ chức và điều chỉnh các chủ thể trong quan hệ lao động theo các yêu cầu nhất định để đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội của nhà nước đã đề ra.
Theo Điều 212 Bộ luật Lao động 2019, các nội dung trong quản lý nhà nước về lao động bao gồm:
- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lao động;
- Theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về cung cầu và biến động cung, cầu lao động; quyết định chính sách tiền lương đối với người lao động;
- Quyết định chính sách, quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực, phân bố và sử dụng lao động toàn xã hội, giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề;
- Xây dựng khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp.
- Quy định danh mục nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- Tổ chức và tiến hành nghiên cứu khoa học về lao động;
- Thống kê, thông tin về lao động và thị trường lao động, về mức sống, tiền lương và thu nhập của người lao động;
- Quản lý lao động về số lượng, chất lượng và biến động lao động.
- Xây dựng các cơ chế, thiết chế hỗ trợ phát triển quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; thúc đẩy việc áp dụng quy định Bộ luật Lao động 2019 đối với người làm việc không có quan hệ lao động;
- Thực hiện việc đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
- Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động; giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật.
- Hợp tác quốc tế về lao động.
Thẩm quyền trong quản lý nhà nước về lao động được phân cấp theo quy định tại Điều 213 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý nhà nước về lao động.
- Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa phương mình.
Các chính sách của Nhà nước về lao động bao gồm:
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội.
- Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định Bộ luật Lao động 2019 đối với người làm việc không có quan hệ lao động.
- Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung, cầu lao động.
- Thúc đẩy người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
(Điều 4 Bộ luật Lao động 2019)