Lý luận chính trị là gì? Học lý luận chính trị để làm gì? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Quy định 57-QĐ/TW năm 2022, có định nghĩa về đào tạo lý luận chính trị như sau:
Đào tạo lý luận chính trị là quá trình truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa;
Việc đào tạo lý luận chính trị nhằm nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ.
Từ đó có thể hiểu, lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, phản ánh mối quan hệ của các giai cấp trong việc giành và giữ chính quyền; thể hiện thái độ và lợi ích giai cấp đối với quyền lực Nhà nước trong xã hội có giai cấp.
Lý luận chính trị là bộ phận quan trọng trong kho tàng lý luận của nhân loại, là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn qua nhiều thế hệ.
Theo Quy định 57-QĐ/TW năm 2022, trình độ lý luận chính trị gồm ba cấp: Sơ cấp, trung cấp và cao cấp, trong đó:
- Sơ cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... ở cơ sở;
Việc đào tạo nhằm trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kỹ năng vận dụng thực tiễn.
- Trung cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở;
Việc đào tạo lý luận chính trị nhằm trang bị cơ bản, có hệ thống, cập nhật về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.
- Cao cấp lý luận chính trị là cấp đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung và cao cấp;
Việc đào tạo lý luận chính trị nhằm trang bị cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tầm nhìn, tư duy chiến lược; nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn.
Xem thêm: Đối tượng được học cao cấp, trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị
Tại Quy định 57-QĐ/TW năm 2022 đã xác định rõ: Học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tại Quy định 54-QĐ/TW năm 1999, chương trình học tập lý luận chính trị bắt buộc của đảng viên bao gồm :
1- Đảng viên trong thời gian dự bị phải học xong chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới.
Đảng viên chính thức tuỳ theo yêu cầu trách nhiệm và trình độ lý luận chính trị đã được đào tạo để lựa chọn chương trình học tập phù hợp, cụ thể như sau :
- Đảng viên ở cơ sở học xong chương trình lý luận chính trị sơ cấp tại trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, và phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Đảng viên là cán bộ, công chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước phải có trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh đã ban hành.
Đối với cán bộ, công chức chưa phải là đảng viên, việc học tập lý luận chính trị thực hiện theo quy định của pháp luật về công chức.
Đảng viên là người dân tộc thiểu số và đảng viên ở vùng sâu, vùng xa có trình độ văn hoá thấp, học chương trình lý luận chính trị sơ cấp được biên soạn riêng.
- Đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội học tập các chương trình lý luận chính trị nêu trong bản quy định này theo sự chỉ đạo của các đảng uỷ khối nơi sinh hoạt.
- Đảng viên trong các lực lượng vũ trang học tập các chương trình lý luận chính trị nêu trong bản quy định này, theo sự chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Đảng uỷ Công an Trung ương.
- Đảng viên đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức tham gia học tập các nghị quyết của Đảng ở tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên cư trú được cấp uỷ định kỳ thông báo tình hình thời sự, chính sách trong nước và thế giới.
- Đảng viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp hoặc đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng học các chương trình lý luận chuyên đề về kinh tế, văn hoá, xã hội... phù hợp với yêu cầu công tác.
- Đảng viên có trình độ lý luận cao cấp, đại học chính trị trở lên có kế hoạch tự học theo hướng dẫn của cơ quan phụ trách.
2- Đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở, phải học xong chương trình trung học chính trị tại trường chính trị tỉnh, thành phố.
3- Đảng viên là bí thư chi bộ và đảng uỷ viên, chi uỷ viên cơ sở học chương trình lý luận chính trị, nghiệp vụ quy định cho cấp uỷ cơ sở tại trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
4- Đảng viên là công chức ngạch chuyên viên, là chuyên viên chính phải học xong chương trình trung cấp về lý luận chính trị, chuyên viên cao cấp phải học xong chương trình lý luận chính trị cao cấp.
5- Đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, quận và cán bộ lãnh đạo một số ban, ngành cấp tỉnh, một số doanh nghiệp.... (có quy định riêng) phải học xong chương trình lý luận chính trị cao cấp tại Phân viện thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
6- Đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, thành, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành Trung ương, uỷ viên thường vụ các đoàn thể Trung ương, ban giám đốc các tổng công ty, các doanh nghiệp lớn của nhà nước... (có quy định riêng) phải học xong chương trình lý luận chính trị cao cấp tại Trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
7- Tất cả đảng viên và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải học tập quán triệt các nghị quyết của Đại hội Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương thông qua các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị do Bộ Chính trị quy định cụ thể cho từng năm.
8- Thống nhất tên gọi các cấp chương trình lý luận chính trị được sử dụng trong hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của Đảng là : sơ cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị (hoặc trung học chính trị), cao cấp lý luận chính trị (hoặc cử nhân chính trị).
Châu Thanh