Quy trình xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 4 Nghị định 89/2014/NĐ-CP, việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau đây:
- Không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước khác để đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
- Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
- Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai.
Việc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng như sau:
(1) Hội đồng cấp cơ sở tại đơn vị nghệ thuật cơ sở do người đứng đầu đơn vị thành lập bao gồm:
- Nhà hát, Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Học viện, trường đào tạo nghệ thuật, hãng phim thuộc các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng nghiên cứu, đào tạo, sáng tạo nghệ thuật;
- Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cục công tác Đảng và công tác chính trị thuộc Bộ Công an;
- Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng;
- Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Đài Phát thanh, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh.
(2) Hội đồng cấp Bộ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do các Bộ trưởng thành lập; tại Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam do Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập hoặc Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập.
(3) Hội đồng cấp Nhà nước thực hiện qua hai bước:
- Bước 1: Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập theo từng lĩnh vực nghệ thuật: Âm nhạc, Điện ảnh, Sân khấu, Múa, Phát thanh, Truyền hình;
- Bước 2: Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
(Điều 11 Nghị định 89/2014/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 40/2021/NĐ-CP)
Cụ thể tại Điều 12 Nghị định 89/2014/NĐ-CP, nguyên tắc làm việc của Hội đồng các cấp được quy định như sau:
- Hội đồng được thành lập theo từng đợt xét tặng và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
- Cá nhân đang là đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” không tham gia các cấp Hội đồng.
- Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín.
- Hội đồng tổ chức phiên họp khi có mặt ít nhất 90% thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền. (Được sửa đổi tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 40/2021/NĐ-CP)
- Hội đồng xem xét, đánh giá về từng cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định 89/2014/NĐ-CP.
- Hội đồng cấp trên chỉ tiếp nhận và xem xét các hồ sơ do Hội đồng cấp dưới trình theo thủ tục quy định tại các Điều 14, 15 và 16 Nghị định 89/2014/NĐ-CP.
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 89/2014/NĐ-CP, kinh phí tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” sử dụng để chi cho các hoạt động sau đây:
- Xây dựng, triển khai Kế hoạch xét tặng danh hiệu tại Hội đồng các cấp;
- Trả thù lao cho các thành viên Hội đồng các cấp, thư ký và việc thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng Danh hiệu;
- Tổ chức phiên họp Hội đồng các cấp;
- Công bố thông tin về kết quả xét tặng của Hội đồng các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân;
- Họp báo công bố kết quả của Hội đồng các cấp;
- Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”;
- Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Mức chi cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Xem thêm:
Tiêu chuẩn xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”
Tiêu chuẩn xét danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”
Thanh Rin