Tổng hợp các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
(1) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có thu nhập khác thì thu nhập này được xác định là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
(2) Thu nhập khác.
Thu nhập khác chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;
- Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 218/2013/NĐ-CP;
- Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
- Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác;
- Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm:
+ Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn;
+ Thu nhập từ bán ngoại tệ;
+ Khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính;
+ Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính).
Đối với khoản nợ phải thu, khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ thì chênh lệch tỷ giá hối đoái của các khoản nợ phải thu, khoản cho vay này là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu;
- Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập mà doanh nghiệp không hạch toán điều chỉnh giảm chi phí;
- Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;
- Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ;
- Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra;
- Chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng (không bao gồm các khoản tiền phạt, tiền bồi thường được ghi giảm giá trị công trình trong giai đoạn đầu tư) trừ (-) đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật;
- Các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được;
- Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Doanh nghiệp nhận tài sản được hạch toán theo giá đánh giá lại khi xác định chi phí được trừ quy định tại Điều 9 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.
- Các khoản thu nhập khác bao gồm cả thu nhập được miễn thuế quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 4 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.
Lưu ý:
- Thu nhập chịu thuế không bao gồm thu nhập từ dịch vụ thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam như:
+ Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị ở nước ngoài;
+ Quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại ở nước ngoài; môi giới bán hàng hóa, môi giới bán dịch vụ ở nước ngoài;
+ Đào tạo ở nước ngoài; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế cho phía nước ngoài.
- Thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài quy định tại các điểm c, d khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập nhận được có nguồn gốc từ Việt Nam từ hoạt động cung ứng dịch vụ, cung cấp và phân phối hàng hóa, cho vay vốn, tiền bản quyền cho tổ chức cá nhân Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam hoặc từ chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn, quyền tham gia các dự án đầu tư, quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.
(Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 91/2014/NĐ-CP, Nghị định 12/2015/NĐ-CP)
- Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.
- Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.
- Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền tham gia dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế.
(Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, sửa đổi năm 2013)
Xem thêm:
Tổng hợp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất
Tổng hợp các khoản thu nhập miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023