Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán nội bộ NHNN Việt Nam
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 06/2020/TT-NHNN, hoạt động kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, xác nhận của Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước về mức độ phù hợp và tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; mức độ trung thực, hợp lý của các thông tin tài chính, thông tin quản lý và tính tuân thủ, hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán, từ đó kiến nghị các biện pháp khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm hoặc đưa ra ý kiến tư vấn nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, giúp đơn vị hoạt động an toàn, đúng pháp luật và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể tại Điều 17 Thông tư 06/2020/TT-NHNN quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm toán nội bộ như sau:
- Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Vụ Kiểm toán nội bộ, Trưởng Đoàn và các thành viên Đoàn kiểm toán:
+ Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán.
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
+ Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
+ Thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch nội dung của các thông tin được kiểm toán.
+ Nhận hối lộ.
+ Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật của đơn vị được kiểm toán; tiết lộ thông tin, tình hình và kết quả kiểm toán khi chưa được ban hành hoặc công bố chính thức.
+ Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán.
+ Thực hiện các hành vi khác trái với quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước.
- Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan:
+ Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu (bao gồm cả thông tin, tài liệu có độ mật) liên quan đến kế hoạch, nội dung kiểm toán theo yêu cầu của Vụ Kiểm toán nội bộ, Đoàn kiểm toán nội bộ.
+ Cản trở, gây khó khăn cho công việc kiểm toán nội bộ.
+ Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời hoặc thiếu khách quan các thông tin, số liệu liên quan đến nội dung kiểm toán nội bộ.
+ Mua chuộc, hối lộ Đoàn kiểm toán.
+ Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài sản, tài chính, ngân sách.
+ Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước.
- Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán nội bộ.
Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm toán với những nội dung như sau:
- Kiểm toán tài chính: Là việc kiểm toán để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.
- Kiểm toán tuân thủ: Là việc kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.
- Kiểm toán hoạt động: Là việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
- Các nội dung kiểm toán khác phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước.
(Điều 21 Thông tư 06/2020/TT-NHNN)
Theo Điều 13 Thông tư 06/2020/TT-NHNN, các mục tiêu hoạt động kiểm toán nội bộ bao gồm:
- Đánh giá mức độ phù hợp và tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán.
- Đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước về các thông tin tài chính, tài sản, thông tin quản lý và hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán.
- Thông qua kiểm toán kiến nghị, tư vấn với đơn vị được kiểm toán các biện pháp khắc phục tồn tại, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ, đảm bảo an toàn tài sản, hoạt động đúng pháp luật và đạt được các mục tiêu.