Tổ chức tín dụng có được kinh doanh bất động sản?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
09/12/2022 19:33 PM

Hiện nay các tổ chức tín dụng có được phép kinh doanh bất động sản không? Nếu có thì được phép trong trường hợp nào? - Hà Minh (Lạng Sơn)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tổ chức tín dụng là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Trong đó, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây:

- Nhận tiền gửi;

- Cấp tín dụng;

- Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Tổ chức tín dụng có được kinh doanh bất động sản?

Tổ chức tín dụng có được kinh doanh bất động sản? (Hình từ Internet)

2. Hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng

Hình thức tổ chức của tổ chức tín dụng quy định tại Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cụ thể:

- Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

- Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

- Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được thành lập, tổ chức dưới hình thức hợp tác xã.

- Tổ chức tài chính vi mô được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn.

3. Tổ chức tín dụng có được kinh doanh bất động sản?

Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định, tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây:

- Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng;

- Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng;

- Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định tại Điều 140 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

4. Quyền tự chủ hoạt động của tổ chức tín dụng

Căn cứ Điều 7 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Quyền hoạt động ngân hàng

Theo Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,198

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]