Người cao tuổi là ai? 08 chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.
Trong đó, Luật Người cao tuổi 2009 quy định: Ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam.
Đây là dịp toàn xã hội và gia đình ghi nhận, trân trọng sự đóng góp của người cao tuổi vào quá trình xây dựng, phát triển đời sống; quan tâm, chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi phù hợp truyền thống đạo lý dân tộc và thời đại.
(Điều 6 Luật Người cao tuổi 2009)
Cụ thể tại Điều 4 Luật Người cao tuổi 2009, các chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi bao gồm:
(1) Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
(2) Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định Luật Người cao tuổi 2009 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(3) Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
(4) Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
(5) Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(6) Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
(7) Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
(8) Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định Luật Người cao tuổi 2009 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Người cao tuổi thực hiện các quyền của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Người cao tuổi 2009, cụ thể như sau:
- Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ;
- Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;
- Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định Luật Người cao tuổi 2009 và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;
- Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi;
- Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;
- Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;
- Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Người cao tuổi 2009, người cao tuổi có các nghĩa vụ sau đây:
- Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
- Truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.