Bệnh án điện tử là gì? Các loại hồ sơ bệnh án điện tử 

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/01/2023 17:42 PM

Bệnh án điện tử là gì? Bệnh án điện tử có giá trị tương đương hồ sơ bệnh án giấy hay không? - Văn Bảy (Nam Định)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bệnh án điện tử là gì?

Theo Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải được lập hồ sơ bệnh án;

- Hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án;

- Hồ sơ bệnh án bao gồm các tài liệu, thông tin liên quan đến người bệnh và quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 2 Thông tư 46/2018/TT-BYT cũng quy định hồ sơ bệnh án điện tử được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư 46/2018/TT-BYT thì có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy quy định tại Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.

Bệnh án điện tử là gì? Các loại hồ sơ bệnh án điện tử 

Bệnh án điện tử là gì? Các loại hồ sơ bệnh án điện tử (Hình từ Internet)

2. Hồ sơ bệnh án điện tử có bao nhiêu loại?

Căn cứ Điều 4 Thông tư 46/2018/TT-BYT, hồ sơ bệnh án điện tử bao gồm:

- Hồ sơ bệnh án nội trú;

- Hồ sơ bệnh án ngoại trú;

- Các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.

3. Nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử

Nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử quy định tại Điều 3 Thông tư 46/2018/TT-BYT, theo đó:

- Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

+ Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy.

+ Phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử.

+ Tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại Mục 2, Chương II Luật An toàn thông tin mạng.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép sử dụng, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 46/2018/TT-BYT.

4. Yêu cầu về lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử

Theo Điều 6 Thông tư 46/2018/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử đạt mức nâng cao theo quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT.

- Thiết bị lưu trữ phải có đủ dung lượng để lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng thời gian lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.

- Hồ sơ bệnh án điện tử phải được lưu trữ dự phòng tại một cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu (data center) đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng thì lưu trữ dự phòng hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sáp nhập thì phải bàn giao dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử cho nơi sáp nhập tiếp nhận; trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giải thể thì phải bàn giao dữ liệu hồ sơ bệnh án điện tử cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp trước khi giải thể tiếp nhận.

- Định kỳ hằng tuần, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện lưu trữ dự phòng hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 46/2018/TT-BYT.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,232

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]