Quy định về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/02/2023 11:30 AM

Cho tôi hỏi về việc sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân hiện nay được quy định thế nào? - Thúy Hoàng (Long An)

Quy định về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân

Quy định về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Yêu cầu về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân

Yêu cầu về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân theo Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 54/QĐ-VKSTC-V9 ngày 21/02/2013 như sau:

- Phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định.

- Phải đồng bộ, nghiêm túc và gọn gàng.

- Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng trang phục thống nhất kể từ khi được cấp phát trang phục Viện kiểm sát nhân dân theo mẫu quy định mới.

- Nghiêm cấm việc sản xuất, tàng trữ, mua bán, tặng, cho, cho mượn và sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân, Giấy chứng minh và Giấy chứng nhận chức danh pháp lý ngành Kiểm sát trái phép, sai mục đích; viết vẽ lên trang phục; sửa chữa, thay đổi quy cách, kiểu dáng, màu sắc và chất liệu của trang phục.

2. Trang phục Viện kiểm sát nhân dân gồm những gì?

Trang phục Viện kiểm sát nhân dân theo Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 54/QĐ-VKSTC-V9 ngày 21/02/2013 như sau:

- Trang phục thường dùng gồm: quần, áo xuân-hè; quần, áo thu-đông; áo khoác chống rét; áo sơ mi dài tay; cà vạt; thắt lưng; giày da; bít tất; dép quai hậu; áo mưa; bộ phù hiệu, bộ cấp hiệu, biển tên.

- Lễ phục: quần áo lễ phục mùa hè; quần áo lễ phục mùa đông; áo sơ mi dài tay lễ phục mùa đông; bộ cành tùng đơn gắn trên ve áo lễ phục; cuống đeo huân chương (dùng vào dịp đại lễ), trong những ngày lễ, hội nghị và cuộc họp trang trọng của Đảng, Nhà nước và của ngành Kiểm sát. 

3. Quy định về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân

Quy định về sử dụng trang phục Viện kiểm sát nhân dân theo Điều 6, 7, 8 và 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 54/QĐ-VKSTC-V9 ngày 21/02/2013 như sau:

* Sử dụng trang phục thường dùng:

Cán bộ, công chức, viên chức trong giờ làm việc, khi thực hiện nhiệm vụ, hội họp, học tập phải sử dụng trang phục thường dùng, cụ thể như sau:

- Mùa hè, mặc quần áo xuân hè, đeo phù hiệu, cấp hiệu và đeo biển tên; mùa đông, mặc quần áo thu đông, thắt cà vạt, đeo phù hiệu, cấp hiệu và đeo biển tên. Biển tên được đeo ở ngực áo bên phải, cạnh dài phía dưới của biển tên song song sát trên nắp túi áo ngực.

- Khi mặc trang phục xuân hè áo kiểu sơ mi phải để áo trong quần, áo kiểu bludong phải để áo ngoài quần; khi mặc trang phục không đeo trang sức, vật trang trí gây phản cảm.

- Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra sử dụng trang phục theo mùa; mặc trang phục xuân hè từ ngày 01-4 đến hết ngày 31-10 hàng năm, mặc trang phục thu đông từ ngày 01/11 năm trước đến hết ngày 31/3 năm sau. 

Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị từ thành phố Đà Nẵng trở vào (trừ tỉnh Lâm Đồng) mặc trang phục thường dùng xuân hè.

- Trong thời gian giao mùa giữa mùa hè và mùa đông hoặc những địa phương có thời tiết trong ngày khác nhau việc thống nhất mặc trang phục thu đông, hoặc trang phục xuân hè do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

- Cán bộ, công chức, viên chức mặc trang phục được đeo phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, đội mũ bảo hiểm khi đi đường bằng xe mô tô, xe gắn máy.

* Sử dụng lễ phục Viện kiểm sát nhân dân:

- Cán bộ, công chức, viên chức mặc lễ phục Viện kiểm sát nhân dân trong các trường hợp sau:

+ Dự hội nghị tổng kết triển khai công tác năm và hội nghị vinh danh Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu của ngành Kiểm sát nhân dân;

+ Dự Đại hội Đảng; dự Đại hội các tổ chức chính trị, xã hội;

+ Dự buổi khai mạc và bế mạc các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp;

+ Dự lễ đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đón khách quốc tế việc mặc lễ phục do đồng chí trưởng ban tổ chức hoặc thủ trưởng đơn vị chủ trì quyết định;

+ Nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước tại buổi lễ đón nhận;

+ Được bổ nhiệm, thăng chức, vinh danh học hàm, học vị khoa học tại buổi lễ đón nhận;

+ Dự Đại hội thi đua toàn quốc, Đại hội thi đua toàn ngành Kiểm sát nhân dân và Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Kiểm sát nhân dân;

+ Dự lễ tang cấp Nhà nước;

+ Mặc lễ phục Kiểm sát nhân dân trong các trường hợp khác hoặc không theo mùa và không theo nhiệt độ ngoài trời do trưởng ban tổ chức hoặc thủ trưởng đơn vị quyết định.

- Cán bộ, công chức, viên chức khi mặc lễ phục Viện kiểm sát nhân dân đeo huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước (nếu có) và được đeo ở ngực áo bên trái, theo thứ tự từ phải qua trái, hạng bậc cao bên trên, hạng bậc thấp bên dưới (đeo đầy đủ cuống, dải và thân huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước) khi:

Dự lễ do Nhà nước tổ chức, dự Đại hội thi đua, hội nghị điển hình tiên tiến, gặp mặt truyền thống; đeo cuống huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước trong các trường hợp khác.

* Đội mũ:

- Cán bộ, công chức, viên chức đội mũ kêpi khi mặc trang phục trong các trường hợp sau:

+ Kiểm sát khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, kiểm sát cưỡng chế thi hành án, kê biên tài sản, khi tham gia khai mạc phiên tòa, kiểm sát Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam.

+ Trao và nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng khác;

+ Trực ban hội nghị, hội thi, buổi lễ; dự lễ tang cấp Nhà nước.

- Đội mũ cứng, mũ bảo hiểm (không phải trang phục) khi mặc trang phục trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 54/QĐ-VKSTC-V9 ngày 21/02/2013.

- Đội mũ bảo hiểm (không phải trang phục) khi đi mô tô, xe gắn máy theo quy định của Chính phủ và Bộ Công an.

- Khi mặc trang phục, nếu đội mũ phải đội ngay ngắn, cài quai khi có yêu cầu.

* Mặc thường phục dân sự:

- Cán bộ, công chức, viên chức trong giờ làm việc và khi thực hiện nhiệm vụ, hội họp được mặc thường phục dân sự trong các trường hợp sau:

+ Do yêu cầu công tác hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội;

+ Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con được 6 tháng tuổi;

- Mặc thường phục dân sự phải lịch sự, gọn gàng theo quy định của Chính phủ về trang phục đối với công chức, viên chức Nhà nước.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,840

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]