Đối tượng, hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/03/2023 09:03 AM

Ai phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng? Hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng gồm những giấy tờ gì? – Hoàng Mi (Bình Phước)

Đối tượng, hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng

Đối tượng, hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng?

Người được miễn đào tạo nghề công chứng sau đây phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên:

- Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

- Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;

- Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

(Điều 10 Luật Công chứng 2014)

2. Hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng

Hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Giấy đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng (Mẫu TP-CC-02);

Mẫu TP-CC-02

- Giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng, cụ thể bao gồm:

+ Quyết định bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;

+ Quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành luật, Bằng tiến sĩ luật; trường hợp Bằng tiến sĩ luật được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

+ Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian hành nghề luật sư từ 05 năm trở lên;

+ Các giấy tờ khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

Các giấy tờ trên là bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu.

(Điều 9 Thông tư 01/2021/TT-BTP)

3. Thủ tục đăng ký tham gia bồi dưỡng nghề công chứng

Người được miễn đào tạo nghề công chứng tại mục (1) nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng đến Học viện Tư pháp.

Học viện Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đăng ký và thông báo danh sách người đủ điều kiện tham gia khóa bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai giảng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

(Điều 9 Thông tư 01/2021/TT-BTP)

4. Nội dung bồi dưỡng nghề công chứng

Nội dung bồi dưỡng nghề công chứng bao gồm:

- Kỹ năng hành nghề công chứng, bao gồm việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ yêu cầu công chứng, xác định nhân thân, năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, kỹ năng nghiệp vụ khác thuộc thẩm quyền của công chứng viên.

- Kiến thức pháp luật liên quan đến hành nghề công chứng, bao gồm các quy định pháp luật về công chứng, pháp luật dân sự, các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

- Kỹ năng quản lý, tổ chức và điều hành tổ chức hành nghề công chứng.

(Điều 10 Thông tư 01/2021/TT-BTP)

5. Trách nhiệm của Học viện Tư pháp trong bồi dưỡng nghề công chứng

- Chủ trì, phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành chương trình bồi dưỡng nghề công chứng.

- Tổ chức khóa bồi dưỡng nghề công chứng phù hợp với chương trình đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.

- Cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng cho người đạt yêu cầu.

(Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-BTP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,486

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]