Chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự và thừa phát lại

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
05/01/2023 09:27 AM

Chương trình khung đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát mới nhất bao gồm những nội dung đào tạo nào? - Thư Hoài (Lâm Đồng)

Bộ Tư pháp ban hành Quyết định 2521/QĐ-BTP ngày 23/12/2022 về Chương trình khung đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại. Một số nội dung trong Chương trình bao gồm:

1. Thời gian, hình thức, đối tượng đào tạo

- Tên chương trình: Chương trình khung đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại

- Thời gian đào tạo: 09 tháng (27 tín chỉ)

- Hình thức đào tạo: Đào tạo theo tín chỉ

- Phương thức đào tạo: Đào tạo tập trung hoặc từ xa theo phương thức trực tuyến

- Văn bằng tốt nghiệp: Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, đào tạo nghề thừa phát lại (Chứng chỉ này có giá trị pháp lý như chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề thừa phát lại)

- Đơn vị đào tạo: Học viện Tư pháp

- Đối tượng đào tạo: là những người có trình độ cử nhân luật trở lên

Chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự và thừa phát lại

Chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự và thừa phát lại (Hình từ Internet)

2. Phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập

- Chương trình áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như: phương pháp thuyết trình mở được áp dụng trong bài giảng lý thuyết kỹ năng; phương pháp giảng dạy theo tình huống, hồ sơ thực tế; phương pháp đóng vai, làm việc nhóm; phương pháp giảng dạy trải nghiệm và các phương pháp giảng dạy hiện đại khác.

- Chương trình đào tạo sử dụng các hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên như sau:

+ Đối với tất cả các học phần trừ học phần thực tập, việc đánh giá kết quả học tập của học viên dựa trên: điểm chuyên cần, điểm thường xuyên được đánh giá bằng đa dạng các hình thức như bài tập cá nhân, bài tập nhóm, viết tiểu luận, viết báo cáo thu hoạch, bài kiểm tra; điểm thi kết thúc học phần được đánh giá theo hình thức viết tự luận, trắc nghiệm, tiểu luận.

+ Đối với học phần thực tập, kết quả học tập dựa trên hình thức viết thu hoạch, báo cáo, chấm báo cáo hoặc bảo vệ trước hội đồng.

3. Tóm tắt nội dung Chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại bao gồm: giới thiệu tổng quan chương trình đào tạo; các môn học bắt buộc, các môn học tự chọn và kiến tập, thực tập; thi kết thúc học phần.

Tổng số tín chỉ phải tích lũy: 27 tín chỉ

Trong đó:

- Học phần bắt buộc (25 tín chỉ):

+ Những vấn đề chung về nghề và đạo đức nghề nghiệp (02 tín chỉ): 

Bao gồm kiến thức về cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại; nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Thừa phát lại; các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Chấp hành viên, Thừa phát lại.

+ Kỹ năng cơ bản (19 tín chỉ):

Bao gồm: Kỹ năng chung (02 tín chỉ); kỹ năng tống đạt, thông báo và xác minh điều kiện thi hành án (03 tín chỉ); kỹ năng chung về thi hành án dân sự (04 tín chỉ); kỹ năng áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án (05 tín chỉ); kỹ năng lập vi bằng (05 tín chỉ).

+ Kiến thức thực hành nghề (04 tín chỉ).

- Phần học tự chọn:

Bao gồm các kỹ năng đặc thù của Chấp hành viên, Thừa phát lại. Học viên được lựa chọn 01 trong số 03 học phần tự chọn sau:

+ Kỹ năng tổ chức thi hành một số vụ việc cụ thể; 

+ Kỹ năng của Thừa phát lại trong việc tạo lập, củng cố chứng cứ; 

+ Kỹ năng của Thừa phát lại trong việc tiếp xúc, trao đổi, đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ với người yêu cầu.

Xem chi tiết Chương trình khung đào tạo tại Quyết định 2521/QĐ-BTP có hiệu lực từ ngày ký.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,365

Bài viết về

Thừa phát lại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]