Trình tự tiến hành lễ tuyên thệ của công an nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/02/2023 12:30 PM

Xin hỏi là đối với việc tuyên thệ của công an nhân dân thì lễ tuyên thệ phải tuân theo trình tự tổ chức thế nào? - Chí Cường (TPHCM)

Trình tự tiến hành lễ tuyên thệ của công an nhân dân

Trình tự tiến hành lễ tuyên thệ của công an nhân dân

1. Nguyên tắc tiến hành lễ tuyên thệ của công an nhân dân

Tại Điều 22 Thông tư 19/2012/TT-BCA quy định về nguyên tắc như sau:

1.1. Trường hợp CAND được tổ chức lễ tuyên thệ

Lễ tuyên thệ trong Công an nhân dân được tổ chức trong các trường hợp:

- Đơn vị hoặc cá nhân được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng;

- Thành lập đơn vị mới;

- Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ phục vụ có thời hạn;

- Trong lễ bế giảng, phong cấp, thăng cấp bậc hàm cho học sinh, sinh viên (sau đây gọi chung là học viên) hệ đào tạo chính quy tốt nghiệp ra trường.

1.2. Cấp tổ chức, nội dung Lễ tuyên thệ trong công an nhân dân

- Cấp tổ chức Lễ tuyên thệ

+ Cấp nào ra quyết định giao nhiệm vụ đặc biệt, thành lập đơn vị mới, kết thúc khóa huấn luyện, bế giảng khóa học cấp đó tổ chức Lễ tuyên thệ.

+ Cấp ra quyết định có thể ủy quyền cho đơn vị cấp dưới tổ chức Lễ tuyên thệ.

– Nội dung lời tuyên thệ

Căn cứ nội dung 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ được giao để chuẩn bị nội dung lời tuyên thệ cho phù hợp.

2. Thành phần dự lễ tuyên thệ của công an nhân dân

Tại Điều 23 Thông tư 19/2012/TT-BCA quy định về thành phần dự lễ như sau:

- Khách mời.

- Lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ.

- Cán bộ, chiến sĩ hoặc đại diện đơn vị tổ chức lễ.

3. Bố trí đội hình tiến hành lễ tuyên thệ của công an nhân dân

Căn cứ Điều 24  Thông tư 19/2012/TT-BCA quy định về việc bố trí đội hình như sau:

Bố trí đội hình thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư 19/2012/TT-BCA.

- Tổ Công an kỳ: Khi ra vị trí nhận huân chương đi nghiêm thành hàng dọc, đến vị trí quy định đứng nghiêm thành hàng ngang, phía trên và trước đội hình, hướng về đơn vị.

- Đội nhạc lễ (nếu có): Bố trí ở vị trí thích hợp.

- Đại biểu khách mời, lãnh đạo đơn vị: Bố trí đối diện phía dưới trước lễ đài hoặc trên lễ đài.

- Cán bộ, chiến sĩ dự lễ: Bố trí thành từng khối, bảo đảm trang nghiêm.

4. Trang phục, trang bị, trang trí lễ tuyên thệ của công an nhân dân

Tại Điều 25 Thông tư 19/2012/TT-BCA quy định về trang phục, trang bị, trang trí của công an nhân dân như sau:

- Trang phục

+ Cán bộ, chiến sĩ dự lễ: Mặc trang phục theo quy định tại Khoản 2, Điều 27, Điều 28 và Điều 33 Thông tư 17/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.

+ Tổ Công an kỳ: Mặc trang phục theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 104 Thông tư 18/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân.

- Trang bị của Tổ Công an kỳ:

Bục Công an kỳ và các trang bị khác theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 104 Thông tư 18/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân.

- Trang trí khánh tiết:

Thực hiện theo Quyết định 1263/2004/QĐ-BCA(X15), quy định về trang trí, khánh tiết hội trường, phòng họp trong lực lượng Công an nhân dân.

5. Trình tự tiến hành buổi lễ tuyên thệ của công an nhân dân

Căn cứ Điều 26 Thông tư 19/2012/TT-BCA quy định về trình tự tiến hành buổi lễ như sau:

Bước 1: Báo cáo cấp trên;

Bước 2: Chào cờ, hát Quốc ca;

Bước 3: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;

Bước 4: Công bố quyết định thành lập đơn vị mới, hoặc giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, hoặc báo cáo tổng kết khóa huấn luyện, khóa học;

Bước 5: Tuyên thệ:

- Tổ Công an kỳ vào vị trí quy định;

- Đại biểu tham gia dự lễ đứng nghiêm;

- Đồng chí giữ Công an kỳ thực hiện động tác nâng Công an kỳ;

- Đồng chí được phân công tuyên thệ lên vị trí quy định, đọc lời tuyên thệ và hôn Công an kỳ

Bước 6: Đọc lời tuyên thệ:

Đồng chí lên tuyên thệ ra khỏi hàng quân;

Tay trái cầm lời tuyên thệ, kẹp sát sườn bên trái, đi đều đến cách Công an kỳ 5 đến 7 mét (m) chuyển thành đi nghiêm đến đối diện;

Cách Công an kỳ khoảng 3 mét (m) đứng nghiêm thực hiện động tác chào, xưng danh đại diện đơn vị hoặc cá nhân đọc lời tuyên thệ rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát;

Đọc xong, tay phải nắm lại và giơ thẳng lên, kết hợp hô to 3 lần “xin thề”, giữa mỗi lần hô “xin thề” có dừng lại, toàn đơn vị đồng thanh hô theo “xin thề”, không giơ tay.

Bước 7: Hôn Công an kỳ

Sau khi đọc lời tuyên thệ xong, đi nghiêm đến cách Công an kỳ khoảng 80 cen-ti-mét (cm), chân phải làm trụ, chân trái bước lên một bước, kết hợp 2 chân từ từ hạ người xuống, đùi chân phải thẳng với người, đầu gối phải quỳ xuống đất, mông không tỳ lên gót chân, cẳng chân trái và đùi tạo thành một góc khoảng 80 độ (o), hai tay đưa thẳng ra phía trước, tay trái cầm bản tuyên thệ, bàn tay phải ngửa, năm ngón tay khép lại đỡ phần dưới Công an kỳ, từ từ nâng lên, thu vào người, đầu cúi xuống hôn Công an kỳ bên phía gắn huân chương với thời gian khoảng 4 giây rồi ngẩng đầu lên nhìn Công an kỳ, hai tay từ từ rời khỏi lá Công an kỳ và đứng lên, chân trái kéo về thành tư thế đứng nghiêm, lùi một bước, thực hiện động tác chào, quay phải (trái) hoặc quay sau, đi nghiêm về vị trí ban đầu.

Bước 8: Đồng chí nâng Công an kỳ về tư thế giữ Công an kỳ; Tổ Công an kỳ quay phải (trái), vác Công an kỳ đi nghiêm về vị trí tập kết;

Bước 9: Đại biểu dự lễ ngồi xuống (nếu có ghế), đứng nghỉ (nếu không có ghế).

Bước 10: Thủ trưởng cấp trên phát biểu giao nhiệm vụ;

Bước 11: Đại diện lãnh đạo đơn vị, cá nhân lên phát biểu tiếp thu;

Bước 12: Duyệt đội ngũ (nếu có);

Bước 13: Kết thúc buổi lễ

Ban tổ chức tuyên bố kết thúc buổi lễ và cám ơn các đại biểu.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,444

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]