Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ tại Điều 5 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:
(1) Người bị thiệt hại;
(2) Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;
(3) Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;
(4) Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại (1), (2), (3) mục 1 ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 như sau:
- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, cụ thể như sau:
+ Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;
+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
Các nguyên tắc bồi thường của Nhà nước bao gồm:
- Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
- Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
- Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 52 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
- Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
- Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.
(Điều 4 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017)
Nguyễn Thị Hoài Thương